FERNANDO PESSOA
(June 13, 1888 – November 30, 1935)
Lời giới thiệu:
Thế kỷ 20 thường được xem là thế kỷ của sự phi lý. Về phương diện triết học, chủ nghĩa phi lý (absurdism) gắn liền với chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hư vô, có thể được xem như một sự khủng hoảng của chủ nghĩa cá nhân. Trong cuộc hành trình tìm kiếm và phát hiện ra cái tôi, hai triết gia tiêu biểu của thế kỷ 19, Soren Kierkegaard (1813-1855) và Friedrich Nietszche (1844-1900) phát hiện ra sự cô đơn và lo âu. Những phát hiện ấy được tiếp tục khai triển bởi nhiều nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20, từ Martin Heidegger (1889-1976) đến Ludwig Wittgenstein (1889-1951) những người hoặc xem ngôn ngữ như một trò chơi hoặc không tin nó có thể phản ánh được hiện thực. Những phát hiện ấy được thể hiện rất rõ trong văn học, từ tiểu thuyết và tiểu luận của Jean-Paul Sartre và Albert Camus đến kịch phi lý (theatre of the absurd) của Samuel Beckett, Eugene Ionesco và Arthur Adamov.
Sinh năm 1888 và mất năm 1935, so với các nhà văn và kịch tác gia vừa kể, Fernando Pessoa lớn hơn một thế hệ, tuy nhiên, ông đã cảm nhận được tính chất phi lý của thời đại và của thân phận con người một cách sâu sắc. Đoạn văn sau đây được trích từ cuốn Tự truyện không sự kiện của ông có thể xem như một bản tuyên ngôn ngắn gọn của chủ nghĩa phi lý ấy.
Phan Quỳnh Trâm
Sự phi lý
Hãy hành động như những con nhân sư, dù một cách giả tạo, cho đến khi chúng ta cũng không biết mình là ai nữa. Bởi vì chính chúng ta, kỳ thực, là những con nhân sư giả, không biết chính chúng ta là ai trong hiện thực. Cách duy nhất để có thể thoả thuận với cuộc đời là bất đồng với chính chúng ta. Sự phi lý thật linh thiêng.
Hãy xây dựng các lý thuyết, một cách kiên nhẫn và thành thật nghĩ ra chúng, để rồi nhanh chóng hành động ngược lại chúng – hành động và biện minh cho hành động của chúng ta bằng các thứ lý thuyết mới để loại bỏ chúng đi. Hãy mở một đường trong đời và lập tức đi ngược lại con đường đó. Hãy áp dụng tất cả những tư thế và cử chỉ của thứ gì đó chúng ta không phải là, không muốn là, và cũng không muốn được xem là.
Hãy mua sách để không đọc chúng; hãy đi nghe hoà nhạc mà không thèm quan tâm đến chuyện nghe nhạc hay để xem có ai ở đó, hãy đi bộ thật lâu bởi vì chúng ta phát ngấy việc đi bộ; hãy dành cả ngày ở miền quê, chỉ bởi vì nó làm chúng ta phát chán .
————–
Phan Quỳnh Trâm dịch từ bản tiếng Anh “Absurdity” của Richard Zenith, in trong Fenando Pessoa, The Book of Disquiet do Richard Zenith dịch và biên tập (Penguine Books, 1998), tr. 27.
Chú thích: Nhân sư (sphinx): con vật thân sư tử và đầu người trong thần thoại Ai Cập và Hy Lạp, sau, được hiểu như một con người bí hiểm.
Absurdity
“Let’s act like sphinxes, however falsely, until we reach the point of no longer knowing who we are. For we are, in fact, false sphinxes, with no idea of what we are in reality. The only way to be in agreement with life is to disagree with ourselves. Absurdity is divine.
Let’s develop theories, patiently and honestly thinking them out, in order to promptly act against them — acting and justifying our actions with new theories that condemn them. Let’s cut a path in life and then go immediately against that path. Let’s adopt all the poses and gestures of something we aren’t and don’t wish to be, and don’t even wish to be taken for being.
Let’s buy books so as not to read them; let’s go to concerts without caring to hear the music or to see who’s there; let’s take long walks because we’re sick of walking; and let’s spend whole days in the country, just because it bores us.”
Fernando Pessoa