KIỂM DUYỆT, OULIPO VÀ TÀI NĂNG CỦA NGƯỜI SÁNG TẠO
Đọc status của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh sau khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, tôi nhớ lại một đoạn ngắn tôi viết về kiểm duyệt cách đây vài năm:
Về kiểm duyệt, giới cầm bút có nhiều quan điểm khác nhau. Nhà văn Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương năm 2012, nhiều lần bênh vực cho chính sách kiểm duyệt tại Trung Quốc, điều ông ví như các biện pháp an ninh tại phi trường. Nhà thơ Mỹ gốc Nga, giải Nobel văn chương năm 1987, Joseph Brodsky, cho kiểm duyệt có ba cái lợi cho người cầm bút: Một, nó hợp nhất cả nước vào một khối độc giả giống nhau; hai, nó làm cho người cầm bút có một số đối tượng giới hạn để chống lại; và ba, nó tạo cơ hội để phát triển tính chất ẩn dụ của ngôn ngữ (1). Susan Sontag, một mặt, dường như cũng đồng ý với quan điểm ấy của Brodsky, khi cho “không có kiểm duyệt sẽ không có người cầm bút nào thực sự quan trọng” (2); nhưng mặt khác, bà vẫn cương quyết chống lại kiểm duyệt: “Tôi chống lại kiểm duyệt. Dưới mọi hình thức.” 3).
Bàn thêm về sự thiếu tự do, sự kiềm hãm trong việc sáng tạo, tôi nhớ đến nhóm Oulipo, viết tắt từ “Ouvroir de littérature potentielle”, tiếng Anh là “workshop of potential literature”, được thành lập vào năm 1960 bởi Raymond Queneau và François Le Lionnais (4) với mục đích khám phá những lợi ích của toán học và những ràng-buộc-dựa-trên-quy-tắc (constraints) đối với việc sáng tác văn học. Oulipo qui tụ những nhà văn, nhà thơ, nhà toán học tên tuổi như George Perec, Italo Calvino, Jacques Roubaud … Một số ví dụ về những ràng buộc (constraints):
Lipogram: viết một văn bản mà không dùng một hay một vài ký tự. Ví dụ nổi tiếng là trường hợp của George Perec khi ông viết nguyên cả một tiểu thuyết trinh thám La disparition (bản dịch tiếng Anh của Gilbert Adair là A Void) mà không dùng một mẫu tự “e” nào. Điều thú vị là sự biết mất của mẫu tự “e” cũng chính là điếu bí ẩn trong tiểu thuyết.
- Snowball: Làm một bài thơ mà dòng thứ hai dài hơn dòng thứ nhất, và cứ tiếp tục như thế.
- Univocalism: Làm một bài thơ mà chỉ dùng một nguyên âm. Italo Calvino viết quyển The Castle of Crossed Destinies gồm những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm nhờ sự kết hợp của các lá bài tarot.
- Henry Matthews viết 35 Variations On A Theme From Shakespeare gồm 35 biến tấu của câu nói nổi tiếng của Hamlet “To be or not to be, that is the question” dùng 35 kiểu “ràng buộc” khác nhau.
- Nhà toán học-nhà văn Michèle Audin viết quyển One Hundred Twenty-One Days, Chương 9 được xây dựng hoàn toàn quanh các con số.
Tôi chỉ đưa một vài ví dụ để chứng minh rằng sự ràng buộc, sự kiềm hãm không thể được xem như một trở ngại, hay một nguyên nhân cản trở sự sáng tạo, nếu không muốn nói là ngược lại. Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ vấn đề kiểm duyệt, hoàn toàn ngược lại là đằng khác. Tôi chỉ không đồng tình với quan điểm cho rằng thiếu tự do là cái cớ của việc không có tác phẩm lớn. Nhóm Oulipo còn tự đặt ra cho mình những ràng buộc khắc nghiệt để xem thử mức độ sáng tạo của họ có thể đi đến đâu.
Vì vậy, nói như nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh: “Nếu người viết tin Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng, từ nay không còn lý do biện minh cho sự bất tài của bản thân nữa rồi.”
Phan Quỳnh Trâm (Mar-2021)
—
Chú thích:
(1), (2), (3): Trích từ cuốn As Consciousness is Harnessed to Flesh của Susan Sontag, do Farrar, Straus and Giroux xuất bản năm 2012
Status của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh:
đồng ý với chị về câu “sự khắc nghiệt chính trị là điều kiện giải phóng tài năng”. cảm ơn về góc nhìn của chị.
LikeLike