Mùi Bảo Tàng và Mùi Thum Thủm – Phan Quỳnh Trâm

Trong một bài phỏng vấn được thực hiện không lâu trước khi Gertrude Stein qua đời, bà nói: “Bạn thấy đấy, những người thường có mùi bảo tàng thì lại được chấp nhận, còn những người mới thì không được chấp nhận. Bạn phải chấp nhận một sự khác biệt hoàn toàn. Được như vậy rất khó; có một tay trong quá khứ thì dễ dàng hơn nhiều. Đó là lý do James Joyce được chấp nhận còn tôi thì không. Ông ta nghiêng về quá khứ, và tác phẩm của tôi, sự mới mẻ và sự khác biệt là nền tảng”. Nếu như Gertrude Stein ngửi thấy mùi bảo tàng trong James Joyce thì tôi lại thoáng ngửi thấy mùi ganh tị trong Gertrude Stein, dù tôi luôn là độc giả trung thành của bà, và dù những điều bà nói không phải là không đúng. Ai mà chẳng thích mùi bảo tàng chứ. Đi đến thành phố nào tôi cũng chui vào các bảo tàng ngửi lấy ngửi để. Đã vậy còn chụp hình những nơi ấy, tung lên facebook cho thiên hạ thấy tôi đã ngửi những thứ gì.

   Trường hợp Gertrude Stein và James Joyce làm tôi liên tưởng đến trường hợp của hai nhà tiên phong của Argentina: Oliverio Girondo và Jorge Luis Borges. Cả hai vừa là bạn vừa là đối thủ, vừa là tình địch của nhau (cà hai đều yêu nhà thơ và tiểu thuyết gia Norah Lange, nhưng sau đó bà lại chọn lấy Girondo). Trong những năm 1920, thơ của Borges vẫn còn hơi cũ, nói theo Gertrude Stein là vẫn còn có mùi của bào tàng, trong khi đó thơ của Oliverio Girondo đã cách tân một cách quyết liệt. Vậy mà cho đến nay, hầu như những ai quan tâm đến văn chương Nam Mỹ đều biết đến cái tên Borges, nhưng không mấy người biết đến hay nhắc đến Girondo.

Đó là chuyện của phương Tây. Quay lại Việt Nam, không biết nên nói người Việt Nam ta thường thích mùi gì trong văn chương. Viết đến đây tự nhiên cái đầu hay nghĩ bậy của tôi lại tủm tỉm nhớ đến một câu trong bài thơ mà tôi được biết là do anh Vũ Ngọc Giao viết, có lẽ là “mùi thum thủm nhưng không có giòi”. Nhắc chuyện này lại nhớ chuyện kia. Trong một bài tiểu luận, Nguyễn Hưng Quốc viết: “Chúng ta vẫn huyên hoang là chúng ta yêu thơ nhưng thật sự chúng ta chỉ yêu thơ như Mã Giám Sinh yêu Thúy Kiều mà thôi”


Nguồn:

https://www.asu.edu/pipercwcenter/how2journal/archive/online_archive/v1_2_1999/current/readings/dekoven.html

https://www.theguardian.com/books/booksblog/2018/aug/02/norah-lange-finally-borgess-muse-gets-her-time-in-the-spotlight

Có thể đọc cả bài thơ của nhà thơ Vũ Ngọc Giao ở đây: http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=8278&rb=0101

Nguyễn Hưng Quốc. Huyền thoại về một nước thơ (hay: Khi Mã Giám Sinh yêu Thuý Kiều). Tiền Vệ © 2002 – 2018​.

Leave a comment