Vấn đề tương quan giữa văn học và chính trị không còn là một đề tài gì mới mẻ. Có thể quay về tận thời của Plato ở phương Tây và Khổng Tử ở phương Đông. Plato, vốn cũng là một tài năng văn chương lớn, cho rằng thơ ca là bản sao không hoàn hảo của thế giới do đó là nguồn không đáng tin cậy của sự thật; nó khơi dậy phần yếu đuối của tâm trí, của linh hồn và tốt hơn hết là các nhà thơ không nên tồn tại trong nước Cộng Hoà Lý Tưởng của ông.[1] Khổng Tử thì dạy: “Các trò sao lại không học Kinh Thi? Thi có thể hứng khởi, có thể để xem xét, có thể để hợp quần, có thể để oán thán. Gần, có thể học đạo lý phụng sự cha mẹ; xa, có thể dùng để phụng sự quân vương; lại có thể nhận biết được nhiều tên chim muông, dã thú, cỏ cây…” (Thi khả dĩ hứng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh — Luận ngữ). Riêng ở Việt Nam, từ xưa đến nay vấn đề này cũng đã được đem ra mổ xẻ rất nhiều và trong hoàn cảnh chính trị như ở Việt Nam hiện nay thì tôi đoán là trong tương lai gần và xa nó sẽ còn được nói đến nhiều nữa. Tuy nhiên, tôi thấy có vẻ như khi nhắc đến văn học và chính trị, người ta hay lẫn lộn giữa hai phạm trù: mối liên hệ giữa nhà văn và chính trị, và, mối liên hệ giữa tác phẩm văn học và chính trị. Tôi tự hỏi là nếu như trong văn học có sự phân biệt rạch ròi giữa tác giả và tác phẩm thì tại sao khi bàn về văn học và chính trị lại không có sự phân biệt giữa nhà văn với chính trị và tác phẩm văn học với chính trị? Đó là những phạm trù khác nhau và không nên gộp chung vào nhau khi bàn đến mối quan hệ đối với chính trị.
Đây là một đề tài rất rộng. Trong bài viết này tôi sẽ chỉ tập trung phân tích về quan hệ giữa nhà văn (bao gồm tất cả những người sáng tác văn học nói chung) và chính trị (hiểu theo nghĩa hẹp là các chính sách và sự phân bố quyền lực trong chính quyền, ai lên ai xuống, ai trong ai ngoài và cả nghĩa rộng là mối quan hệ quyền lực giữa con người và con người, về tự do và công chính trong xã hội, v.v…)
Về mối liên hệ giữa nhà văn và chính trị, chúng ta thường nghe nhiều người ở phương Tây cũng như ở Việt Nam tuyên bố rằng nhà văn cần phải có bổn phận chính trị, cần phải quan tâm đến chính trị; rằng đã là nhà văn, nhất là trong một chế độ độc tài, thì càng phải dấn thân, càng không thể quay lưng với chính trị. Những lời tuyên bố như vậy thường được phát biểu một cách đầy tự tin và dứt khoát, có khi được ghi thành nghị quyết để mọi nhà văn phải chấp hành.
Tôi hiểu lý do người ta tuyên bố như vậy nhưng tôi vẫn thấy chúng không thuyết phục. Tôi đồng ý nhà văn bao giờ cũng là một công dân thuộc một quốc gia nhất định, do đó phải có trách nhiệm với đất nước, với xã hội như tất cả mọi công dân khác. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cần phân biệt hai loại trách nhiệm khác nhau, đó là trách nhiệm cưỡng chế và trách nhiệm tự nguyện. Trách nhiệm cưỡng chế bao gồm những nghĩa vụ công dân như tôn trọng pháp luật, đi bầu cử, đóng thuế, tham gia nghĩa vụ quân sự khi cần, tham gia vào bồi thẩm đoàn hay làm chứng nhân khi được yêu cầu, v.v… Tất cả những điều này được ghi rõ trong luật pháp, nếu không thực hiện thì sẽ bị phạt. Trách nhiệm tự nguyện gồm những điều người dân tự giác và tự cảm thấy có bổn phận phải đóng góp, tham gia; ví dụ như ở Úc, mỗi năm có một ngày gọi là Làm sạch nước Úc (Clean Up Australia Day) khi hàng triệu người dân tự nguyện ra đường thu dọn rác ở công viên, đường phố, bãi biển, bờ sông, v.v… Những trách nhiệm này không có trong luật pháp. Chúng chỉ xuất phát từ lương tâm và ý thức công dân của mỗi người, hay nói cách khác, chúng là những lựa chọn tự do.
Với tư cách là công dân, nhà văn phải chấp nhận những trách nhiệm cưỡng chế như mọi công dân khác nhưng với tư cách nhà văn thì việc dấn thân vào chính trị chỉ là một trách nhiệm tự nguyện. Đó là một sự lựa chọn chứ không phải là một điều bắt buộc. Việc lựa chọn dấn thân hay không dấn thân của nhà văn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tuỳ theo cá tính và tuỳ theo hoàn cảnh, mối quan hệ xã hội, tình hình chính trị của đất nước. Những người thích chính trị hay xã hội thì thường dễ dấn thân hơn những người thích cô độc và cá nhân chủ nghĩa (không phải theo nghĩa xấu!). Chính vì vậy, trong những hoàn cảnh giống nhau, chúng ta thường thấy các nhà văn phản ứng khác nhau. Có người dấn thân nhưng cũng có một số người khác chỉ lẳng lặng sáng tác. Ngoài ra, tình hình chính trị cũng là một ảnh hưởng lớn. Cụ thể, khi sống trong những nước độc tài, hoặc nghèo đói, hoặc đang trong giai đoạn chuyển tiếp thì nhu cầu dấn thân khẩn thiết hơn ở những quốc gia dân chủ, giàu mạnh và hoà bình. Bởi vậy, chúng ta hiểu tại sao các nhà văn Việt Nam thường băn khoăn về việc dấn thân.
Ám ảnh của các nhà văn Việt Nam cũng là ám ảnh của nhiều nhà văn ở châu Mỹ Latin. Đó cũng là nơi dân chúng đã và đang gánh chịu hoạ độc tài, bất công và nghèo đói. Điều đáng chú ý là chính những hoạ độc tài, bất công và nghèo đói ấy làm cho nhiều nhà văn thấy áy náy và nghĩ là mình phải lên tiếng như một trách nhiệm đạo đức. Trong trường hợp đó, chính nhà văn tự xoá bỏ ranh giới giữa trách nhiệm đối với nhà văn và trách nhiệm đối với công dân. Nhà văn Mario Vargas Llosa, trong bài tham luận tại một cuộc hội nghị văn học quốc tế do trường đại học Washington tổ chức ở St. Louis về đề tài “Nhà văn trong chính trị” nêu lên trường hợp của nhà văn người Peru José María Arguedas làm ví dụ. Tôi xin tóm tắt lại:
José María Arguedas tự kết liễu đời mình vào một ngày cuối năm 1969 trong phòng học của một trường đại học ở Lima. Vài ngày sau khi ông chết, xuất hiện những lá thư của ông viết cho nhiều đối tượng khác nhau, nhà xuất bản của ông, bạn bè, nhà báo, giới hàn lâm, giới chính trị gia, giải thích về nguyên nhân tại sao ông tự tử. Và những nguyên nhân đó thay đổi theo từng lá thư. Thư thì ông nói ông là một nhà văn thất bại. Thư thì ông đưa ra những nguyên nhân chính trị, đạo đức xã hội: bởi “ông không thể chịu nổi sự đau khổ của những người nông dân Peru, ông cảm thấy bức bối khó chịu bởi sự khủng khoảng văn hóa và giáo dục trong nước, sự hèn hạ đáng khinh của báo chí và bức tranh biếm hoạ về tự do ở Peru trở nên quá sức chịu đựng đối với ông.”
Vargas Llosa giải thích là José María Arguedas tự tử vì ở “trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan không thể chịu nổi. Văn học luôn quan trọng đối với ông nhưng đồng thời ông cũng thấy có nghĩa vụ phải hoàn thành những trách niệm xã hội mà người khác mong đợi ở ông.” Vì thế ông đã cố gắng thoát khỏi chính mình, và thay vì viết những đoản văn nhẹ nhàng và thơ mộng về thời thơ ấu như trước đây, ông viết một cuốn sách đầy tham vọng (Toda las Sangres) mô tả các vấn đề xã hội và chính trị của đất nước ông. Cuốn sách là một thất bại hoàn toàn: tầm nhìn của nó quá đơn giản và thậm chí chỉ giống như một bức tranh biếm họa. Llosa kết luận đó chính là hậu quả của việc áp dụng những cam kết xã hội trong văn chương. “Những cuốn sách khác của Arguedas thì dao động giữa hai mặt nhân cách của ông. Và tất cả những điều này đã đóng vai trò trong việc ông tự kết liễu đời mình.”[2]
Vargas Llosa kể lại câu chuyện trên như một ví dụ điển hình cho những khó khăn và áp lực mà một người nhà văn ở châu Mỹ Latin thời đó phải chịu đựng. Những áp lực như vậy cũng thường thấy ở Việt Nam. Mỗi khi đất nước gặp sóng gió, người ta thường đòi hỏi nhà văn phải biến ngòi bút của mình thành vũ khí, nghĩa là phải viết như một công dân trước khi là một văn nghệ sĩ. Nhưng tại sao người ta lại đòi hỏi nhà văn phải hy sinh tư cách văn nghệ sĩ trong khi người ta tiếp tục tôn trọng vai trò chuyên môn của các giới khác? Tại sao không ai đòi hỏi các ca sĩ, bác sĩ, các luật sư, các kỹ sư, các doanh nhân, các diễn viên điện ảnh hay siêu mẫu… phải dấn thân? Tôi nghĩ, có thể lý giải rằng theo truyền thống, nhà văn được xem là những con người của chữ nghĩa, những người trí thức, và những điều họ nói, họ phát biểu thường được người ta trân trọng lắng nghe, nói cách khác, chúng có ảnh hưởng đến xã hội, đến chính trị. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, ngày nay với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng thì những ca sĩ, diễn viên… gọi chung là “sao”, còn có ảnh hưởng trực tiếp và nhanh chóng đến xã hội và chính trị hơn gấp bội lần. Nhìn quanh các cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ thì thấy. Người ta mời những “ngôi sao” chứ hiếm khi thấy họ mời một ông nhà văn lên đài truyền hình, lên những “talk shows” để phỏng vấn. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2008, người ta quan tâm đến việc Oprah sẽ ủng hộ ai chứ không mấy ai cần biết ông bà Thi Sĩ công huân thời đó nghĩ gì. Steven Ross, một sử gia Mỹ, trong cuốn Hollywood Left and Right: How Movie Stars Shaped American Politics, nhắc lại, trong một cuộc nói chuyện giữa ứng cử viên với cử tri, người ta dự đoán sẽ có chỉ 1000 người tham dự, nhưng khi nghe nói Humphrey Bogart và Lauren Bacall sẽ đến nói chuyện thì số người tham dự lên đến 10.000; người ta đến để xem mặt đôi diễn viên nổi tiếng thời đó, rồi nhân tiện nghe luôn cả ứng cử viên! Cũng theo Ross, thì Charlton Heston, diễn viên nam chính trong phim Ben Hur, là nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc Georges W. Bush đắc cử tổng thống năm 2000.[3] Kể cũng cần nhắc lại về trường hợp của tổng thống Ronald Reagan và thống đốc tiểu bang California Arnold Schwarzenegger, trước khi tham gia vào chính trường cả hai đều xuất thân là những diễn viên tiếng tăm của Holywood.
Ở Tây phương, vì nhận ra vai trò tương đối của nhà văn đối với dư luận xã hội nên người ta ít khi đòi hỏi nhà văn phải dấn thân như ở các nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Trước các cuộc khủng hoảng, phản ứng của giới cầm bút thường rất đa dạng tuỳ theo quyết định của mỗi người. Ví dụ, trong thập niên 1930-1940 khi châu Âu trải qua cuộc Đại khủng hoảng, nội chiến Tây Ban Nha rồi chiến tranh thế giới lần thứ hai, phản ứng của các nhà văn có thể được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Những nhà văn nhà thơ như W.H. Auden, George Orwell thì theo phe khuynh tả (theo định nghĩa của thời đó, cánh khuynh tả không nhất thiết phải có ràng buộc với chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tự do) và chống chủ nghĩa độc tài phát xít trong khi Erza Pound thì lại ủng hộ chế độ độc tài phát xít Ý và Đức và theo chủ nghĩa bài Do Thái.[4] Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, trong khi George Orwell, Ernest Hemingway và nhiều nhà văn khác tự nguyện sang Tây Ban Nha và chiến đấu cho phe dân chủ thì T.S. Eliot, Gertrude Stand lại công khai theo phe quân chủ và ủng hộ Franco (tuy nhiên trong chiến tranh thế giới thứ hai T.S. Eliot thì lại ủng hộ phe Đồng Minh). Trong khi đó, James Joyce lại sang Thụy Sĩ tự khẳng định là một người trung lập, tự tách mình ra khỏi những vấn đề chính trị của nước Ái Nhĩ Lan và của thế giới và chỉ tập trung vào chuyện văn chương. Trong lá thư viết cho em trai của mình năm 1939, ông viết: “Anh không quan tâm đến chính trị, điều duy nhất quan trọng với anh là văn phong.”[5]
Ở Việt Nam hay ở nhiều nơi khác có lẽ ít có nhà văn nào có thể ung dung viết như James Joyce. Từ dư luận xã hội hoặc từ lương tâm của chính họ, họ bị thôi thúc phải dấn thân vào cuộc đấu tranh chung cho chính nghĩa. Sau khi kể lại câu chuyện của José María Arguedas nhắc ở trên, nhà văn Vargas Llosa phân tích tiếp:
Từ những điều trình bày ở trên, chúng ta có thể tạm rút ra một số kết luận chính:
Thứ nhất, việc dấn thân hay không dấn thân của nhà văn là một chọn lựa tự do. Chúng ta kính trọng những nhà văn dấn thân vì họ là những công dân đầy tinh thần trách nhiệm và can đảm, tuy nhiên, chúng ta cũng cần tôn trọng những lựa chọn không dấn thân của những người như James Joyce.
Thứ hai, không phải sự dấn thân nào với tư cách công dân cũng mang lại kết quả đáng quý với tư cách văn nghệ sĩ. Trong bài tiểu luận “Tại sao tôi viết?” (Why I write), nhà văn George Orwell kể chuyện khi viết cuốn Homage to Catalonia về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông đã không nén được các cảm xúc chính trị trong lòng nên đã biến một tác phẩm văn học thành một tác phẩm báo chí. Dường như chỉ với cuốn Trại súc vật, ông mới kết hợp được một cách hài hòa động cơ chính trị và động cơ mỹ học, mới biến được việc viết về chính trị thành một nghệ thuật.[7] Nhưng không phải người nào cũng có tài năng và may mắn như Orwell. Theo tôi, phần lớn nên lắng nghe ý kiến của Vargas Llosa:
Thứ ba, khi nhà văn lựa chọn một thái độ chính trị, có những lựa chọn được lịch sử cho là đúng và có những lựa chọn lịch sử nhận định là sai, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những lựa chọn chính trị của người nhà văn đó, không ảnh hưởng đến giá trị văn học của họ.
Trong văn học Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng cho nhận định thứ ba nêu trên. Tôi xin đơn cử một vài ví dụ. Trong mấy chục năm đầu của thế kỷ 20, có ai anh hùng hơn hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh? Thơ văn của họ từng gây nên rất nhiều sóng gió và có ảnh hưởng lớn lao trong sinh hoạt chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, bây giờ ai còn nhớ đến thơ văn của họ? Người ta nhắc đến họ là nhắc đến sự nghiệp chính trị của họ, còn thơ văn của họ thì rất ít người nhớ. Trong khi đó, nhà thơ Tản Đà thì không hề dấn thân. Ông làm thơ và viết văn về những “giấc mộng lớn” và những “giấc mộng con” cũng như những chuyện ăn chơi, chuyện uống rượu hay chuyện chán đời. Thế nhưng bây giờ nhắc đến thơ văn đầu thế kỷ 20, ai cũng nhớ đến Tản Đà và cũng thấy là Tản Đà lớn hơn Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Ở giai đoạn sau, chúng ta cũng chỉ nhớ tác giả của câu “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió” chứ không mấy ai nhớ đến tác giả của câu “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”.
Trong văn học thế giới, chúng ta cũng thấy những ví dụ tương tự. Tôi thích nhất là ví dụ liên quan đến Pablo Neruda. Neruda là một đảng viên cộng sản nhiệt thành. Ông rất mê Liên Xô và sùng bái Stalin. Ông làm thơ ca ngợi Stalin nhiều lần (trong các bài “Canto a Stalingrado”, 1942 và “Nuevo canto de amor a Stalingrado”, 1943). Khi Stalin chết vào năm 1953, ông làm thơ tôn vinh và tưởng niệm (cũng cùng năm đó, Tố Hữu viết mấy câu: Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông thương mười). Cũng năm đó, Neruda được trao giải thưởng Hòa bình Stalin của Liên xô. Sau khi Nikita Khrushchev tố cáo Stalin là một tên độc tài mắc bệnh sùng bái cá nhân, Neruda hơi tỉnh ngộ nhưng ông vẫn tiếp tục sùng bái Liên xô và Stalin. Khi giới trí thức khắp thế giới vận động phản đối Liên xô về việc trấn áp nhà văn Boris Pasternak và nhà thơ Joseph Brodsky, ông đều từ chối tham gia. Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục làm bạn và bênh vực những tên độc tài trên thế giới, từ Mao Trạch Đông đến Fidel Castro và Juan Perón. Những việc này khiến nhiều người rất khó chịu với Neruda. Tuy nhiên, người ta vẫn không phủ nhận tài năng của ông.
Tiêu biểu nhất là nhận định của Jorge Luis Borges. Khi được hỏi về Pablo Neruda, Borges đã trả lời như sau:
Borges giải thích thêm:
Dù không thích gặp nhau và đi theo hai hướng khác nhau, nhưng cả Neruda và Borges đều là những tài năng lớn của thế kỷ 20. Chúng ta cũng có thể nói như vậy với các nhà văn và nhà thơ kể tên ở trên, từ James Joyce đến Ernest Hemingway, George Orwell, T.S. Eliot, Gertrude Stein, Erza Pound, v.v…
Điều đó nói lên rằng tư cách chính trị hoàn toàn độc lập với tư cách của nhà văn.
Dĩ nhiên, xin nhấn mạnh lại lần nữa là tôi không hề cổ vũ cho thái độ thoát ly chính trị hay tìm cách giảm tội cho những chọn lựa sai lầm trong lãnh vực chính trị. Tôi chỉ muốn phân biệt nhà văn với tư cách công dân và với tư cách người cầm bút. Tôi cho sự lẫn lộn giữa hai tư cách ấy không có lợi gì cho văn học.
Tôi cũng muốn phân biệt văn học và chính trị như hai lãnh vực độc lập dù có những quan hệ tương liên chặt chẽ. Trong khi văn học hướng đến cái đẹp, chính trị hướng đến cái lợi. Trong khi văn học là chuyện lâu dài, chính trị là chuyện trước mắt. Không ai phủ nhận rằng văn học và chính trị có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng khi nói đến ảnh hưởng, thì đó là nói đến chuyện bên ngoài, và chuyện đến sau, tự bản chất chúng đã không phải là một.
Cuối cùng, tôi nghĩ kinh nghiệm của nhà văn được giải Nobel văn chương năm 2010 có thể là một bài học quý. Ông là người hoạt động chính trị sôi nổi (có lần ông còn ra ứng cử Tổng thống nhưng thất bại). Viết về quan hệ giữa văn học và chính trị, ông kể:
_________________________
[1]Habib, Rafey (2005), A history of literary criticism: from Plato to the present, Wiley-Blackwell.
[2]Vargas Llosa, Mario (1993), The real life of the Latin American novelist. Harper’s Magazine, Vol. 287, September.
[3]Ross, S. J. (2011), Hollywood Left and Right: How Movie Stars Shaped American Politics, New York: Oxford University Press.
[4]Erza Pound được coi là nhà thơ gây tranh cãi nhất về vấn đề này.
[5]Vargas Llosa, Mario (1993), như trên.
[6]Komesu, Okifumi & Sekine, Masaru (biên tập) (1990), Irish Writers and Politics, [Irish Literary Studies 36].Colin Smythe.
[7]Orwell, George (1947), “Why I Write”. Bản điện tử: http://www.george-orwell.org/Why_I_Write/0.html. Khi viết bài viết này vào năm 1947, George Orwell chưa viết cuốn Nineteen Eighty-Four vốn được ra đời 2 năm sau đó.
[8]Xem bài phỏng vấn Vargas Llosa “Nghệ thuật văn chương hư cấu” , thực hiện bởi Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti trên Paris Review (Fall 1990, No. 116). Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.
[9]Xem http://en.wikipedia.org/wiki/Pablo_Neruda
[10]Vargas Llosa, Mario (1990), “Transforming a Lie into Truth: A Metaphor of the Novelist’s Task”, National Review, Vol 42, October.
Xin chia sẻ: Ở Việt Nam, những nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam là “chiến sĩ” của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Sáng tác văn chương của họ là để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Những nhà văn này tự nguyện xin vào Hội Nhà Văn, họ được Đảng lãnh đạo và chăm sóc. Gần đây mới có Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập, định hướng cho một tổ chức văn học của những nhà văn “tự do”, không chịu sự lãnh đạo của ai. Nhưng cho đến nay “Văn đoàn” này chưa chính thức ra đời, họ cũng chưa có tác phẩm nào tiêu biểu cho tuyên ngôn của họ (như Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa)
LikeLiked by 1 person