Ngụy Biện Cá Trích Đỏ | Red Herring Fallacy – Phan Quỳnh Trâm

Ngụy biện (fallacy) là lập luận sai về mặt logic khi tranh luận. Người ta chia ra từ mười mấy đến vài chục loại ngụy biện khác nhau (*), từ ngụy biện kiểu công kích cá nhân (ad hominem) cho đến ngụy biện lợi dụng cảm xúc số đông, ngụy biện lợi dụng thẩm quyền… Những ngụy biện kể trên tương đối dễ nhận ra. Nhưng có một trong những kiểu ngụy biện mà giới “trí thức” và “chính trị gia” hay dùng tới, là Ngụy Biện Đánh Lạc Hướng, tên tiếng Latin là ignoratio elenchi, tiếng Anh gọi là Red Herring Fallacy (Ngụy Biện Cá Trích Đỏ).

Ngụy Biện Đánh Lạc Hướng có thể được giải thích một cách vắn tắt:

1. Người thứ nhất: A là B.
2. Người thứ hai: A là C, bởi vì: C không phải là B (!). C có nghĩa là D, mà D có thể được hiểu là E. C được trình bày bởi F, mà F rất uyên bác, F đã từng viết quyển G, quyển G có liên quan đến C, cho nên F biết là F nói cái gì (!).

Thoạt đầu, người đọc mà không hiểu rõ vấn đề rất dễ bị đánh lừa bởi thứ ngụy biện kiểu này. Bởi vì tất cả những điều được người thứ hai nói từ sau vế (A là C) đều đúng, đều có lý, đều rất hay ho, kiểu “Trên trời có đám mây xanh, Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng”, nhưng về mặt logic thì tất cả những vế đó đều không thể chứng minh được điều duy nhất cần chứng minh là tại sao A là C, hay, tại sao A không phải là B. [Vâng, dĩ nhiên là F thì biết F nói cái gì, nhưng người thứ hai thì không biết họ đang nói cái F gì].

Tại sao ngụy biện này có tên là Ngụy Biện Cá Trích Đỏ (Red Herring Fallacy)?  Tên này xuất phát từ cụm từ “political red herring” mà nhà báo người Anh William Cobbett những năm đầu thế kỷ 19 dùng để chỉ trích một số nhà báo đồng nghiệp của mình. Ông sử dụng câu chuyện về săn bắn như một phép ẩn dụ để chê bai báo chí, vốn để mình bị lừa bởi những thông tin sai lệch về một lần bại trận của Napoléon. Ông kể rằng người ta dùng cá trích đỏ để làm cho chó săn mất đi mùi hương trong khi săn mồi. Người thợ săn kéo cá trích đỏ trên mặt đất để huấn luyện chó săn quen với mùi hương đó. Sau đó họ sẽ giới thiệu cho chó săn mùi hương của một động vật khác, ví dụ một con thỏ. Những con chó săn sẽ tập trung lần theo dấu vết mùi hương của con thỏ và không bị đánh lạc hướng bởi mùi hương cuả cá trích đỏ. Vì vậy, nói chung, “cá trích đỏ” là bất cứ thứ gì có thể được sử dụng để đánh lạc hướng. Trong tranh luận, một con cá trích đỏ là thứ khiến độc giả mất đi sự tập trung vào vấn đề được đề cập.

Những cuộc tranh luận, đặc biệt trên mạng xã hội, đa số không đi đến đâu, bởi vì, không những những người tranh luận không có văn hóa tranh luận, tranh luận không xuất phát từ thiện tâm, từ khuynh hướng muốn biết, muốn tìm hiểu sự thật, mà từ những hiềm khích cá nhân, từ bản ngã quá lớn, sợ mất mặt, mà còn sự thiếu hiểu biết những nguyên tắc cơ bản về logic khi tranh luận. Người đọc không thấy đã đành, mà chính người tranh luận có khi cũng không biết là mình đang ngụy biện. Tìm hiểu kỹ những nguyên tắc tranh luận không những giúp người ta tranh luận một cách thuyết phục hơn, mà còn giúp nhìn ra rõ hơn khi bản thân mình hay người khác ngụy biện.


* Aristotle chia ra 13 loại ngụy biện trong On Sophistical Refutations https://howaristotleimpactedargument.weebly.com/fallacies.html
42 loại ngụy biện được kể đến trong Peter A. Angeles, Dictionary of Philosophy: http://abyss.uoregon.edu/~js/glossary/fallacies.html

Leave a comment