Tranh: René Magritte – Les Intermittences du Coeur (The Fickleness of the Heart) (1950)
TÍNH CHÍNH TRỊ CỦA KÝ ỨC
Đọc giai thoại Trang Tử giả vờ chết để thử lòng vợ, một người đàn ông trung niên, từ nhiều tháng nay đã có ý nghi ngờ vợ mình ngoại tình, quyết định làm theo Trang Tử.
Ngược lại với những gì ông dự đoán, người vợ hết sức đau khổ. Hàng đêm nàng lặng lẽ khóc vì nhớ chồng. Ngày đến nàng lại ra mộ thăm chồng, trò chuyện với chồng (dĩ nhiên nàng không đem theo cái quạt nào để quạt mồ cả). Được hơn một năm, người vợ cũng nguôi ngoai dần. Nàng đi du lịch nhiều nơi, học lại một nhạc cụ nàng đã học từ nhỏ, học thêm một ngôn ngữ khác, học nhảy tango, đọc thật nhiều sách, xem thật nhiều phim. Những niềm vui tinh thần đã giúp nàng quên đi người chồng đã khuất. Nàng không còn cảm thấy cô đơn và cũng không để ý đến một người đàn ông nào khác.
Người chồng, sau hơn một năm tự do (dù kín đáo) sống cuộc đời một người đàn ông độc thân, làm những gì mà những người đàn ông độc thân thường làm, cảm phục về sự chung thuỷ của vợ, đã “sống lại”, thành khẩn xin vợ tha thứ. Người vợ, ban đầu sửng sốt đón nhận người chồng chưa từng chết, nhưng sau đó thì bình thản. Đã quen sống một mình, hạnh phúc của nàng từ lâu đã không còn phụ thuộc vào bất kỳ ai nữa. Người chồng sống đó mà cũng như đã chết.
Dù sao đi nữa, con người, cuối cùng, vẫn là một sinh vật dễ thích nghi, và rất mau quên.