Biến Tấu Từ Một Truyện Cực Ngắn Của Monterroso – Phan Quỳnh Trâm

 

Trong tiếng Anh, truyện cực ngắn ngắn nhất và nổi tiếng nhất là của Hemingway, chỉ vỏn vẹn có sáu từ: “For sale: baby shoes, never worn” (Bán: giày trẻ em, chưa từng mang). Thật ngắn, nhưng nó có thể gợi ra nhiều cách diễn dịch khác nhau, trong đó có cách diễn dịch bi thảm: Có lẽ đứa bé bị chết sớm, trước khi có cơ hội mang đôi giày mà bố mẹ em sắm sẵn. Em chết lúc nào và trong trường hợp nào? Còn mẹ em thì sao? Bà còn sống hay đã qua đời trong lúc sinh đẻ, hay trong chiến tranh? Bố/mẹ của đứa bé có lẽ rất cúng quẫn, đến mức phải đem rao bán một đôi giày trẻ em?

Truyện cực ngắn của Hemingway tuy được nhiều người biết và khâm phục nhưng lại không gợi nhiều cảm hứng cho giới sáng tác cũng như giới nghiên cứu bằng một truyện cực ngắn khác, được xem là truyện cực ngắn ngắn nhất trong tiếng Tây Ban Nha, của nhà văn người Guatemala, Augusto Monterroso (1921-2003). Truyện cực ngắn này chỉ có 7 từ: “Cuando despertó, el dinosaurio todavía estaba allí” (Khi thức dậy, con khủng long vẫn còn ở đó).

Xin nói ngay, truyện cực ngắn này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà văn. Italo Calvino, trong cuốn Six Memos for the Next Millennium kể rằng sau khi đọc tuyển tập những truyện cực ngắn lạ thường do Borges và Casares chọn lọc, Calvino có ý định làm một tuyển tập tương tự những truyện cực ngắn chỉ có một câu, thậm chí, chỉ một dòng. Tuy vậy, ông cảm thấy khó có thể tìm được truyện nào có thể sánh được với truyện con khủng long của Monterroso.

Trong một bài tiểu luận, nhà văn người Chi-lê Roberto Balaño viết, một cách ngắn gọn: “Chúng ta phải đọc Juan Rulfo và Augusto Monterroso”

Mario Vargas Llosa, nhà văn người Peru, đoạt giải Nobel văn chương năm 2010, trong cuốn Letters to a Young Novelist, đã dành vài trang cho truyện cực ngắn này. Ông phân tích về từ ngữ, về vai trò của dấu phẩy, của chữ “vẫn còn” (todavía) và của thì (quá khứ) mà Monterroso dùng để chứng minh sự tinh tế trong câu chuyện ấy.

Một đặc điểm khác cần lưu ý là trong tiếng Tây Ban Nha, đại từ không nhất thiết phải được sử dụng. Người ta có thể đoán được đại từ qua cách chia động từ. Đại từ ngôi thứ 3 số ít có thể là “anh/chị/nó” và Monterroso đã lợi dụng điều đó trong truyện này. “Khi thức dậy…” Ai thức dậy? Có thể một người nào đó, một đứa bé hay một cô gái, một người đàn ông hay cũng có thể là chính con khủng long.

Sự mơ hồ của câu chuyện gợi óc tò mò, và gây cảm hứng cho nhiều người cầm bút. Đó là lý do chính khiến nhiều người tiếp tục sáng tác theo chiều hướng Monterroso gợi ra. Tôi xin dịch một số truyện tiêu biểu từ tiếng Tây Ban Nha (tên tác giả và tên truyện, nếu có, được để trong ngoặc đơn sau câu chuyện):

1. Khi Monterroso chết, con khủng long vẫn còn ở đó (Hector Ranea)

2. Khi hắn thức dậy, người ta vẫn còn viết về con khủng long. (José Luis Zárate)

3. Tôi hỏi một người phụ nữ có học thức là cô có biết truyện của Monterros có nhan đề là “Con Khủng Long” không?

– Ah, đó là một lạc thú. Tôi đang đọc nó đây. (José de la Colina)

4. Khi thức dậy, hắn thở dài nhẹ nhõm: con khủng long không còn ở đó. (Paul Urbanyi)

5. Khi hắn thức dậy, con khủng long nói: “Chào buổi sáng” (Fabián Vique, Con khủng long có giáo dục)

6. Khi thức dậy, Augusto Monterroso đã hoá thành một con khủng long. “tôi nhận thấy khuôn mặt rầu rĩ của ông”, Gregor Samsa, khi đó cũng đang ở trong nhà bếp, nói với ông.

Tất cả các câu chuyện trên đều được gợi hứng từ truyện cực ngắn của Monterroso.  Riêng truyện số 6, nhân vật Gregor Samsa được lấy từ cuốn Metamorphosis của Kafka. Những sự kiện này cho thấy một trong những đặc điểm quan trọng nhất của truyện cực ngắn là tính chất liên văn bản.

Thật ra, theo các lý thuyết gia hậu hiện đại, liên văn bản là một đặc điểm chung của văn học. Tuy nhiên trong truyện cực ngắn, tính chất liên văn bản ấy nổi bật hơn, trở thành một đặc trưng của thể loại. Điều này dẫn đến một hệ quả là, đôi khi, để cảm nhận được hết cái hay của truyện cực ngắn, chúng ta cần phải biết nhiều hơn tổng số từ vựng được sử dụng trong văn bản của câu chuyện ấy.

Phan Quỳnh Trâm (Jan – 2017)

One thought on “Biến Tấu Từ Một Truyện Cực Ngắn Của Monterroso – Phan Quỳnh Trâm

Leave a comment