Khi những người viết văn đánh (giá) nhau – Phan Quỳnh Trâm

Ezra_Pound_by_EO_Hoppe_1920
Erza Pound (30 October 1885 – 1 November 1972)

Trong mỗi người sáng tác giỏi bao giờ cũng có một nhà phê bình xuất sắc. Thứ nhất, để tự biết những khuyết điểm của mình (để khắc phục) và những điểm mạnh của mình (để phát huy), và thứ hai để thấy cái hay cái dở của những người khác để học hỏi hay tránh né. Nhưng để phát hiện ra cái hay của người khác, ngoài sự nhạy bén, còn phải có yếu tố hợp goût. Rồi từ chỗ âm thầm phát hiện ra cái hay của người khác đến chỗ công khai nói ra điều đó, người ta cần ít nhất 2 trong 4 yếu tố: tự tin, can đảm, công bằng và rộng lượng. Nếu không muốn nói là cần tất cả.

Rất nhiều nhà văn thuộc loại lừng lẫy nhất thế giới với sự nhạy cảm được cho là phi thường lại không nhận ra cái hay của nhau. Virginia Woolf, sau khi được T.S. Eliot giới thiệu đọc cuốn Ulysses, nhận xét: “chưa có cuốn sách nào làm tôi chán đến như vậy”, rồi  nói thêm “đó là một tác phẩm của một sinh viên đại học nôn nao gãi mụn nhọt của mình”, trong khi cùng lúc bà hết lòng ca ngợi “Đi Tìm Thời Gian Đã Mất” của Marcel Proust. .. Faulkner mỉa mai Hemingway: “hắn chẳng bao giờ biết dùng một chữ nào để khiến người đọc phải tìm đến cuốn từ điển cả”. Hemingway cũng không vừa “Tội nghiệp Faulkner, chẳng lẽ ông ấy thực sự tin rằng những cảm xúc lớn đi ra từ những từ ngữ lớn”. Nabokov về Hemingway : “Với Hemingway, tôi đọc ông ấy lần đầu tiên trong những 40, cái gì đó về chuông, bi và bò mộng và tôi căm ghét nó” v.v. và v.v. Trong một bài phỏng vấn Gertrude Stein trước khi bà qua đời, Stein nói, đại ý, sở dĩ James Joyce được chấp nhận mà bà lại không, bởi vì Joyce nằm trong số những người viết văn có “mùi của viện bảo tàng”, có “một tay đặt trong quá khứ”, trong khi tác phẩm của chính bà thì “sự mới mẻ và sự khác biệt là cơ bản”. Gertrude Stein có thể đố kỵ với James Joyce thật, nhưng chính nhận định của bà cũng cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa cả hai trong quan niệm sáng tác.

So với Woolf, Hemingway, Faulkner, Nabokov và Gertrude Stein, Ezra Pound là một trường hợp đặc biệt. Ông chẳng những có đủ sự nhạy bén để phát hiện rất sớm tài năng của nhiều nhà văn nhà thơ từ khi họ còn chưa được nhiều người biết đến (T.S. Eliot, James Joyce, Ernest Hemingway, Robert Frost, William Carlos Williams, Marianne Moore v.v.) mà còn giúp đỡ họ rất nhiều trong đời sống và trong văn chương. Pound sửa bản thảo cho họ, liên lạc viết thư giới thiệu với những nhà xuất bản, giới thiệu họ với những người bảo trợ về tài chánh, bảo vệ họ khi họ bị tấn công, giúp họ có việc làm và khỏi vào tù ra khám… Hai năm trước khi T.S. Eliot bắt đầu viết The Waste Land (mà sau đó Ezra Pound cũng đã giúp biên tập khá nhiều), Ezra Pound còn tìm cách gây quỹ cho T.S. Eliot (khi đó đang làm cho một ngân hàng) để giúp ông tập trung vào chuyện viết lách (Hemingway cũng có nhắc sơ chuyện này trong A  Moveable Feast). Trong thư viết cho một người tài trợ, Pound viết “Để cho ông ấy [T.S. Eliot] lãng phí tám tiếng đồng hồ sinh lực mỗi ngày trong nhà băng là một tội ác với văn chương”. Ezra Pound hoàn toàn có ý thức rõ ràng về việc mình đang làm. Trong một lá thư viết năm 1915 gửi cho Harriet Monroe, Pound miêu tả những hành động của mình như những nỗ lực để “giữ gìn sự sống của một số các nhà thơ tiên tiến và để đặt nghệ thuật vào vị trí xứng đáng của nó, như một sự định hướng, như ngọn đèn của nền văn minh được công nhận”.

Trong văn chương, ngoài những bài phê bình một cách nghiêm túc, với mục đích nâng cao khả năng thưởng ngoạn của người đọc, hoặc mở ra cho họ những con đường khác để đánh giá một tác giả hay tác phẩm (*), thì, điều chúng ta cần nhất là những người như Ezra Pound.  Trong phần giới thiệu một cuốn sách của Ezra Pound, T.S. cho rằng Pound “có trách nhiệm với cuộc cách mạng thơ của thế kỷ 20 hơn bất kỳ cá nhân nào”. Donald Hall, trong một cuốn sách khác, cho rằng “Ezra Pound là một nhà thơ mà, cả ngàn lần hơn bất cứ người nào khác, đã khiến cho thơ hiện đại trở thành khả thể trong tiếng Anh”. Những ganh ghét tị hiềm, đố kỵ dèm pha, vùi dập nhau một cách tồi tệ chẳng có lợi cho một cá nhân nào, lại càng không có lợi gì cho văn chương cả.

(*) Cuốn sách phê bình thú vị mà tôi đọc gần đây nhất là The Dirty Art of Poetry của William Logan, người được xem là cái gai, là kẻ bị ghét cay ghét đắng trong Thơ ca Mỹ. Trong cuốn này, với lời lẽ rất dí dỏm và lưu loát, William Logan phê bình từ Wallace Stevens, Frank O’Hara, Philip Larkin; T. S. Eliot, Elizabeth Bishop, Robert Lowell đến Mark Strand, Billy Collins v.v. với mục đích làm thay đổi, nếu không muốn nói là lật ngược cách đánh giá của giới phê bình, giới độc giả với những nhà thơ đã được công nhận và thường được ca ngợi này.

Tài liệu tham khảo:

Virginia Woolf, A Writer’s Diary, Houghton Mifflin Harcourt, 2003
Michael Reynolds, Hemingway The Paris Years, Norton, 1989
Humphrey Carpenter, Geniuses Together: American Writers in Paris in the 1920s, Faber and Faber, 2009.
http://www.thehemingwayproject.com/poison-pens-kirk-curnutts-review-of-faulkner-and-hemingway-biography-of-a-literary-rivalry-by-joe-fruscione/
http://www.bidnessetc.com/entertainment/intimidating-literary-man-interview/
http://www.poetryfoundation.org/bio/ezra-pound
http://www.asu.edu/pipercwcenter/how2journal/archive/online_archive/v1_2_1999/
current/readings/dekoven.html

3 thoughts on “Khi những người viết văn đánh (giá) nhau – Phan Quỳnh Trâm

Leave a reply to chuvietnhanh Cancel reply