Liên quan đến vấn đề dịch thuật văn học, có rất nhiều khía cạnh có thể luận bàn, tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào một khía cạnh: Liệu có thể và có nên dịch các tác phẩm văn học qua trung gian của một ngôn ngữ thứ ba, chẳng hạn, dịch một bài thơ hay một thiên truyện từ nguyên tác tiếng Đức qua bản dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp?
Về phương diện lịch sử, việc dịch thuật qua trung gian một ngôn ngữ khác đã có từ lâu và rất phổ biến trên thế giới. Có thể lấy một ví dụ nhỏ: cuốn Kinh Thánh được xem là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất, nhưng liệu có mấy dịch giả có thể đọc được cuốn sách ấy từ nguyên tác? Hầu hết đều chỉ dịch qua trung gian các ngôn ngữ phổ thông ở Tây phương, xưa thì là tiếng Latin, nay thì là tiếng Anh hay tiếng Pháp. Các bản dịch Kinh Thánh sớm nhất ở Việt Nam đều được dịch từ tiếng Latin và tiếng Pháp. Các tác phẩm triết học ở Hy Lạp thời cổ đại cũng vậy, cũng được dịch ra các ngôn ngữ chủ yếu qua các bản dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp. Giới hạn trong phạm vi văn học, ở miền Nam trước năm 1975, hầu như tất cả các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong nền văn học Nga vào nửa sau thế kỷ 19, từ Leo Tolstoy và Fyodor Dostoevsky đến Nikolai Gogol và Anton Chekhov, v.v… đều được dịch từ tiếng Pháp và chưa thấy có độc giả nào, một cách công khai, cảm thấy có sự mất mát nào với cách dịch qua trung gian như vậy cả. Không phải chỉ có người Việt Nam mới làm vậy. Một hai thập niên gần đây, cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch ra khá nhiều thứ tiếng. Các dịch giả ấy biết tiếng Việt ư? Thật ra, phần lớn họ chỉ căn cứ trên bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp mà thôi. Hơn nữa, với những ngôn ngữ không phổ biến với người Việt như tiếng Ả Rập, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Tiệp Khắc, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Thuỵ Điển v.v. nếu không qua trung gian các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp, chúng ta sẽ gần như hoàn toàn mù mờ về văn học của những nước ấy. Số người biết những thứ tiếng đó, vẫn có, nhưng cực kỳ ít, số người dịch văn chương, lại còn ít hơn nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ biết đến Adonis, Tomas Tranströmer, Miroslav Holub… nếu có quan niệm cứng nhắc như thế về dịch thuật. Chúng ta sẽ quay lưng lại với hầu hết các nền văn học trên thế giới.
Có thể nói, với các tác phẩm văn xuôi, việc dịch qua trung gian của một ngôn ngữ thứ ba là điều khá phổ biến và hiếm khi gặp bất cứ sự phản đối nào. Người ta chỉ băn khoăn đối với một thể loại duy nhất, đó là thơ. Nhiều người có thái độ cực đoan, cho đó là một điều bất khả.
Thật ra, xin lưu ý là, đối với thơ, không phải chỉ việc dịch qua trung gian của ngôn ngữ thứ ba, mà ngay cả việc dịch trực tiếp từ ngôn ngữ gốc cũng bị xem là bất khả, hoặc nếu không, cũng không thể đạt đến mức hoàn hảo được. Lý do tương đối dễ hiểu. Trong thơ không phải chỉ có ý mà còn có giọng điệu, một yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của bài thơ. Xin lấy ví dụ từ một bài thơ của Nguyễn Khuyến:
Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa, nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa, nên nỗi không chừa được
Chừa được, thì ta cũng chẳng chừa.
Về ý, bài thơ nói lên tâm trạng nghịch lý của tác giả: ông muốn chừa rượu nhưng không chừa được, hơn nữa, ngay cả khi chừa được, ông cũng không thèm chừa. Tuy nhiên, là người Việt Nam, khi đọc bài thơ ấy, chúng ta đều thấy một khía cạnh khác nữa, đó là cái giọng nhừa nhựa, lè nhè của một người đang say rượu. Ấn tượng nhừa nhựa và lè nhè ấy nảy sinh từ những âm “ưa” được lập đi lập lại trong cả bài thơ.
Hãy thử tưởng tượng có ai đó dịch bài thơ trên sang tiếng Anh hay tiếng Pháp. Chắc chắn người ấy chỉ thành công trong việc chuyển tải ý tưởng nghịch lý chứ không thể thể hiện được cái giọng lè nhè, nhừa nhựa của một người đang say rượu được.
Qua ví dụ trên, chúng ta thấy ngay một điều: dịch thơ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, chỉ dừng lại ở việc chuyển tải ý tưởng mà thôi. Nhưng nếu giới hạn như thế, việc dịch từ ngôn ngữ gốc hay qua một ngôn ngữ trung gian nào đó cũng không phải là một vấn đề lớn. Đành là nếu dịch từ ngôn ngữ gốc thì tốt hơn, tuy nhiên, nếu tình thế bắt buộc, phải dịch qua trung gian của một ngôn ngữ khác, sự khác biệt cũng không quá lớn. Vẫn dịch được ý và vẫn bất lực trong việc chuyển dịch giọng điệu của bài thơ.
Ở trên, tôi có viết dịch thơ là một điều bất khả. Đó là điều đã có nhiều người đề cập. Tuy nhiên, người ta nhấn mạnh thêm: biết vậy, nhưng người ta lại không thể không dịch. Bản dịch thơ nào cũng bất toàn, nhưng ngay cả khi bất toàn, chúng vẫn hữu ích vì chúng giúp người đọc biết thêm một nền thơ khác, một nền văn hoá khác. Điều này lại càng cần thiết trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.
Bản thân tôi lâu nay đa phần chỉ dịch các tác phẩm từ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, hai ngôn ngữ tôi biết và có chút tự tin khi dịch. Tuy nhiên, qua tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những tác phẩm xuất sắc được dịch từ một ngôn ngữ khác. Cái hay của những tác phẩm ấy, dù chỉ qua bản dịch, khiến tôi nảy ra ham muốn muốn giới thiệu chúng với độc giả Việt Nam. Khi làm việc ấy, tôi biết rõ những nguy cơ mình đối diện. Tôi cố gắng giảm thiểu những nguy cơ ấy bằng cách tìm ra nhiều bản dịch khác nhau hoặc hỏi thăm những bạn bè biết rõ ngôn ngữ gốc ấy. Tất cả đều xuất phát từ một động cơ: tình yêu đối với văn học và nhiệt tình muốn giới thiệu những tác phẩm hay đến với độc giả. Ngoài tình yêu và nhiệt tình ấy, không còn bất cứ một động cơ nào khác.