Giáo Dục và Chính Trị – Phan Quỳnh Trâm

Trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Hoa Sen ở Sài Gòn, bà hiệu trưởng, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng có nhắc đến những sự đe doạ nguy hiểm của Trung Quốc tại Trường Sa và trên Biển Đông, cuối cùng bà kêu gọi: “Tôi thiết tha mong các anh chị với tư cách công dân Việt Nam phải suy tư, phải có quan điểm cá nhân về tình hình này, theo dõi những diễn biến tiếp theo và có hành động phù hợp. Cho dù sau này các anh chị có chọn cho mình một công việc hay sự nghiệp tương lai gì đi nữa, các anh chị sẽ luôn nghĩ đến đồng bào ruột thịt và vận mệnh của đất nước. Các anh chị sẽ luôn thành tâm làm điều gì đó cho quê hương.”


Bài nói chuyện của Bùi Trân Phượng gây nên những phản ứng khá sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Một số người khen ngợi bà đã can đảm nhắc đến hiểm hoạ Trung Quốc điều mà chính phủ và hệ thống truyền thông trong nước cho đến nay vẫn né tránh. Nhưng cũng có một số người chê trách cho là bà đã sử dụng diễn đàn giáo dục để nói về những vấn đề chính trị nhất thời.

Thật ra, quan hệ giữa giáo dục và chính trị là một vấn đề có lịch sử từ lâu đời và luôn luôn gây nên những tranh luận sôi nổi trong lịch sử. Gần đây, vào giữa tháng 5, 2013, trong bài diễn văn tại Đại học Pennylvania, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhắc đến vấn đề chính trị bằng cách cho còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ. Ông nêu lên nhiều lý do, từ giáo dục đến pháp lý, kỹ thuật và thị trường, nhưng lý do quan trọng nhất khiến Mỹ hơn hẳn Trung Quốc là ở Mỹ, người ta có thể “nghĩ khác”. Ông nhấn mạnh một ý tôi cho là rất hay và đáng ngẫm nghĩ: “Các bạn không thể nghĩ khác trong một quốc gia mà các bạn không được hít thở tự do; các bạn không thể nghĩ khác trong một quốc gia mà các bạn không thể thách thức tính chính thống bởi vì sự thay đổi chỉ có thể xuất phát từ việc thách thức lại tính chính thống.” (You cannot think different in a nation where you cannot breathe free; you cannot think different in a nation where you aren’t able to challenge orthodoxy, because change only comes from challenging orthodoxy.)

Nhiều sinh viên Trung Quốc sau đó đòi Joe Biden phải xin lỗi họ và một số bài báo đặt ra vấn đề nên hay không nên đặt ra vấn đề chính trị, tinh thần quốc gia trong một bài diễn văn đọc ở lễ tốt nghiệp. Nhưng cũng không hiếm người bênh vực Biden.

Để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục, chúng ta phải phân biệt hai khía cạnh khác nhau: giáo dục phục vụ chính trị và giáo dục gắn liền với chính trị. Ở Việt Nam cũng như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và hiện nay, người ta hoàn toàn chính trị hoá giáo dục bằng một số môn bắt buộc như chủ nghĩa Mác-Lênin, lịch sử đảng, v.v… Ở phương Tây, quan hệ giữa giáo dục và chính trị khác: người ta giáo dục học sinh và sinh viên quan tâm đến chính trị, ý thức về các quyền của công dân và dám tranh đấu để bảo vệ các quyền ấy. Điều ấy không có gì sai trái cả. Ở giáo dục, nhất là giáo dục đại học, học thuật thường gắn liền với thực tế. Chính trị là một lãnh vực thực tế ấy.

Trở lại với bài phát biểu của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tôi thực sự cảm động khi đọc câu kết luận của bà: “Cuối cùng, các anh chị nhớ chạy xe cẩn thận, đề phòng phụ gia độc hại của Trung Quốc trong thực phẩm Việt Nam. Hãy luôn thể hiện mình là một người Việt Nam có học, sống tử tế, làm việc đàng hoàng và cư xử nhân ái.”

Tôi chú ý đến nhóm chữ “sống tử tế”. Cách đây mấy chục năm, đạo diễn Trần Văn Thuỷ có cuốn phim tài liệu nối tiếng “Chuyện tử tế” trong đó ông cho lòng tử tế tại Việt Nam đang bị xói mòn và kêu gọi mọi người hãy “tử tế” với nhau. Hiện nay, vấn đề “tử tế” vẫn tiếp tục xuống cấp càng lúc càng trầm trọng cho nên lời kêu gọi của một nhà giáo dục như bà Bùi Trân Phượng vẫn còn hết sức cần thiết. Chúng ta không thể hy vọng bất cứ điều gì về tương lai của Việt Nam nếu trước hết chúng ta chưa sống một cách tử tế. Và nói đến tử tế là nói đến vấn đề cụ thể liên quan đến đời sống hàng ngày kể cả lãnh vực chính trị chứ không phải là những gì mơ hồ và trừu tượng.
Phan Quỳnh Trâm
Sydney 2/7/2015

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s