Nghĩa Trang và Bệnh Viện – Phan Quỳnh Trâm

 

Chiều thứ bảy vừa rồi tôi vào bệnh viện Liverpool thăm một người bạn lớn tuổi vừa bị tai nạn xe. Trên đường đi ra, tôi lơ đãng thế nào nên đi lạc. Tôi cứ đi lòng vòng, lòng vòng hết sang phòng bệnh nhân này đến phòng bệnh nhân khác mà không sao tìm được lối ra. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bệnh viện có cách bố trí phòng ốc như một… mê cung. Cuối cùng tôi cũng tìm ra được thang máy, nhưng không phải là thang máy công cộng mà lại là thang máy dành cho xe đẩy bệnh nhân. Một y công đang đẩy một xe bệnh nhân thấy tôi đứng lớ ngớ quờ quạng nên ngoắc tôi vào trong thang máy cùng với ông rồi chỉ đường cho tôi đi. Trong thang máy là tôi, người y công và một bệnh nhân có vẻ là một người phụ nữ Á châu khá lớn tuổi nằm trên xe. Tôi mừng quá vừa cười vừa cảm ơn nguời y công, nhưng mặt ông cứ lạnh tanh, thế là tôi quay sang …hello bệnh nhân nằm trên xe, cũng không thấy người đó có phản ứng gì. Một lúc sau thấy bà nhăn nhó rên rỉ và trông có vẻ rất đau đớn. Tôi quay sang nhìn người y công, mặt ông vẫn lạnh tanh, có lẽ ông đã quá quen thuộc với cảnh ấy. Tôi quay lại nhìn bệnh nhân, vẫn đang quằn quại đau đớn, tôi vừa tưởng tượng đó là bà ngoại tôi, rồi trong lòng tự nhiên dấy lên một cảm giác gì đó gần như xấu hổ và tội lỗi. Vừa cảm thấy mình vô duyên bộp chộp, vừa cảm thấy tội lỗi vì tuổi trẻ và sức khoẻ của mình…

Khi tôi còn nhỏ xíu, chừng 5,6 tuổi, ba tôi làm bác sĩ trưởng khoa cấp cứu, mỗi khi tôi bị sốt hay có bệnh gì đó, lại tha tôi vào bệnh viện, vừa trực vừa chăm sóc cho tôi. Tôi nhớ đi giữa hai hàng giường bệnh trong một căn phòng lớn, thấy những hình ảnh bệnh nhân máu me đau đớn và những khuôn mặt buồn bã lo lắng của thân nhân, tôi vừa thấy sờ sợ vừa tội nghiệp.  Tôi nhớ hay nhìn lên tấm bảng giao ban, vừa đánh vần vừa đọc: bệnh nhân Nguyễn Văn A, nhảy giếng, tử vong; bệnh nhân Nguyễn Văn B, uống thuốc rầy, tử vong. Rồi tôi nhớ có một buổi tối, một chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân đến, người ta mở cửa xe đưa bệnh nhân vào, một người phụ nữ, là mẹ, hay là vợ, là em, gào lên thảm thiết. Những hình ảnh đó, những âm thanh đó, thú thật vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.

Từ ngày sang Úc, hơn 14 năm, ngoài lần vừa rồi, tôi chỉ đến bệnh viện có 3 lần, nhưng lần nào cũng gắn liền với tang thương chết chóc. Lần đầu tiên, khi vừa ở Sydney được 3 tháng, tôi vào bệnh viện thăm và hôn lên trán ông ngoại tôi lần cuối, sau khi ông tôi mất trước đó vài tiếng. Lần thứ hai, khi đang học đại học, tôi vào bệnh viện thăm bạn tôi vừa sinh con nhưng không giữ được đứa bé. Lần thứ ba, cách đây vài năm, tôi vào thăm một người bạn gái tôi bị ung thư phổi và qua đời sau đó chỉ vài tiếng, khi chỉ hơn 30 tuổi. Tôi vẫn còn nhớ khi bước vào căn phòng nơi bạn tôi nằm, ba mẹ bạn thì đau xót nhìn đứa con gái duy nhất vốn xinh đẹp thở khó nhọc những hơi thở cuối cùng, cả người tôi run lên, tim đập thình thịch và mặt nóng bừng vì xúc động.

Khác với cảnh ồn ào đông đúc ở các bệnh viện Việt Nam, bệnh viện ở Úc rất yên tĩnh, nhưng sự yên tĩnh đó tạo cho người ta một cảm giác cô đơn, lạnh lẽo. Mỗi người nằm một giường, thân nhân chỉ được vào thăm từ 3-8 giờ tối chứ không được ở lại qua đêm. Người ta đi qua đi lại lặng lẽ trên các hành lang. Khi buồn ngủ thì vào mua một ly café rồi ngồi đợi đến giờ vào thăm. Những lần vào nghĩa trang, tôi thấy buồn, nhưng nó là một nỗi buồn yên lặng, bình an, về một điều gì đó đã xong rồi và người ta chỉ có thể chấp nhận nó. Bệnh viện tạo cho người ta một cảm giác buồn rất bất an, bất an về điều gì đó chưa xảy ra và sẽ xảy ra, bất an về sự ngắn ngủi, khổ đau và vô nghĩa của cuộc đời.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s