Quan hệ cá nhân và đánh giá văn học – Phan Quỳnh Trâm

 

tumblr_lma65pQIp81qbrvi3o1_500

Susan Sontag – Photo by Peter Hujar (1975)

Trong bài “On Paul Goodman”, Susan Sontag kể bà gặp Paul Goodman lần đầu từ khi còn rất trẻ nhưng bà không thích ông và Goodman cũng không thích bà. Vài lần gặp nhau không tạo thành tình bạn nếu không muốn nói là họ còn có ác cảm với nhau. Sontag cho rằng Goodman khá thô lỗ, lạnh lùng và khi kể chuyện lại hay khoe khoang thành tích về tình dục của mình. Thế nhưng trong chính bài viết này, khi Paul Goodman vừa qua đời, Sontag vẫn viết về Goodman một cách đầy ngưỡng mộ. Bà cho rằng ông là một trong vài nhà văn quan trọng nhất của nước Mỹ và bà đã học rất nhiều từ Goodman, dùng ông như một thước đo giá trị cho các tác phẩm của bà. Bà nói: “tất cả những gì ông làm trên giấy tôi đều thích” (everything he did on paper pleased me).

Đến khi Sontag qua đời, nhà văn Phillip Lopate được Princeton University Press yêu cầu viết một cuốn sách về Sontag. Mở đầu cuốn sách, Lopate cho biết là ông đã gặp Sontag vài lần lúc bà còn sống nhưng ông cũng không thích bà lắm. Thế nhưng ông vẫn viết về Sontag với sự ái mộ dành cho một tài năng lớn và quý hiếm của Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20. Cũng vậy, Sigrid Nunez, từng là trợ lý riêng cho Sontag và từng là người yêu của con trai bà (David Rieff), trong cuốn “A memoir of Susan Sontag”, cũng kể vài chuyện riêng tư không tốt đẹp mấy về Sontag, kể cả chuyện Sontag là một trong những nguyên nhân gây đổ vỡ cho mối quan hệ của bà và David Rieff, nhưng Nunez vẫn khẳng định: được gặp gỡ Sontag, có Sontag như một người thầy là một trong những điều may mắn nhất cho cuộc đời viết văn của bà.

Qua ba câu chuyện trên, chúng ta thấy đối với những nhà văn chân chính, những quan hệ cá nhân không ảnh hưởng đến cách đánh giá văn chương của họ; họ không đem chuyện yêu hay ghét ngoài đời vào việc đánh giá văn chương của nhau, điều mà tôi có cảm tưởng là điều mà người Việt chúng ta rất hay mắc phải. Nói là có cảm tưởng vậy thôi chứ ai cũng biết là có quá nhiều trường hợp như vậy nên cũng chẳng cần nêu ví dụ.

Tôi muốn dùng lại một ý trong bài “On Paul Goodman” của Sontag để làm kết luận cho bài viết ngắn này: “Tôi ngờ rằng đôi khi con người trong sách vở cao quý hơn con người ngoài đời thật, điều chỉ xảy ra thường xuyên trong ‘văn chương’. (Đôi khi ngược lại, con người trong đời thật thì cao quý hơn con người trong sách vở. Đôi khi thì hai con người ấy lại chẳng ăn nhậu gì với nhau cả).”

Theo tôi thì chỉ có trường hợp thứ nhất là đáng kể.  Những người ngoài đời cao quý hơn trong văn chương thì chỉ đáng quý trong đời sống, giữa bạn bè và những người thân của họ mà thôi.

Phan Quỳnh Trâm

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s