FERNANDO PESSOA
(June 13, 1888 – November 30, 1935)
Fernando Pessoa là một trong những nhà thơ lớn nhất trong lịch sử văn học của Bồ Đào Nha và là một trong vài cây bút đa dạng nhất trên thế giới. Dưới gần một trăm bút hiệu khác nhau, với những phong cách khác nhau, ông là một hiện tượng hiếm hoi, hầu như vô tiền khoáng hậu, trong văn học thế giới. Pessoa không những sáng tác mà còn viết tiểu luận, nghiên cứu và phê bình. Tư tưởng ông không thành hệ thống để có thể được xem là một lý thuyết gia nhưng rải rác ở nhiều chỗ, chúng ta cũng có thể bắt gặp những nhận xét rất độc đáo. Tôi sẽ lần lược trích dịch và đăng tải một số ý kiến của Pessoa liên quan đến văn học, nghệ thuật và đời sống. Đoạn văn dưới đây được trích từ cuốn The Book of Disquiet do Richard Zenith biên tập và dịch thuật từ tiếng Bồ Đào Nha và được Penguin Books xuất bản năm 2001.
Tiêu đề do người dịch đặt.
Nghệ thuật là một phụ đề cho hành động hoặc sự sống. Nếu đời sống là sự biểu hiện có chủ tâm của cảm xúc thì nghệ thuật chính là sự biểu hiện trí tuệ của cùng một cảm xúc đó. Tất cả những gì chúng ta không có, không thử hoặc không đạt được, chúng ta có thể sở hữu chúng trong những giấc mơ, và đó là những gì chúng ta sử dụng để làm nghệ thuật. Những lúc khác, cảm xúc của chúng ta mạnh mẽ đến mức, mặc dù đã giảm thiểu thành hành động, hành động này không hoàn toàn đáp ứng được nó, những cảm xúc còn sót lại, không biểu hiện được trong đời sống, được dùng trong việc tạo thành các tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, có hai loại nghệ sĩ: một, những người thể hiện những gì mình không có, và hai, những kẻ biểu hiện phần thặng dư của những gì hắn đã có.
Art is a subtitle for acting or living. If life is the wilful expression of emotion, art is the intellectual expression of that same emotion. Whatever we don’t have, don’t attempt or don’t achieve can be possessed through dreams, and these are what we use to make art. At other times our emotion is so strong that, although reduced to action, this action doesn’t completely satisfy it; the leftover emotion, unexpressed in life, in used to produce the work of art. There are thus two types of artist: the one who expresses what he doesn’t have, and the one who expresses the surplus of what he did have.
From the Book of Disquiet (New York: Penguin Books, p199). Edited and translated by Richard Zenith