Sáng nay trên trang smh.com.au tôi đọc được một bài báo ngắn, mà nội dung của nó tôi tin chắc sẽ gây nhiều tranh luận. Bài báo trích lại bài đăng trên blog bmj của một bác sĩ người Anh, Richard Smith, cựu biên tập viên của tạp chí Y Khoa Anh uy tín, British Medical Journal, gọi tắt là BMJ, và từng là một bác sĩ truyền hình cho BBC trong 6 năm. Richard Smith cho rằng: “chết bằng bệnh ung thư là cách chết tốt nhất”. Ông lý giải: “Bạn có thể nói lời vĩnh biệt, suy ngẫm về cuộc đời đã qua của bạn, để lại những lời nhắn cuối cùng, có thể đi thăm những nơi chốn đặc biệt lần cuối cùng, lắng nghe bản nhạc thích nhất, đọc những bài thơ được yêu thích, và chuẩn bị, tuỳ theo đức tin, gặp Đấng Tạo Hoá của bạn hoặc tận hưởng sự lãng quên vĩnh cửu.”
Dĩ nhiên, ông cũng không quá ngây thơ để không biết rằng, nói như vậy sẽ có nhiều người phản đối, bởi một cái chết vì bệnh ung thư dễ gây nhiều đau đớn, mệt mỏi về tinh thần và thể xác cho người bệnh và người thân từ lúc phát hiện ra bệnh đến khi qua đời.
Ông viết: “Đó là một cách nhìn lãng mạn về cái chết, nhưng nó có thể đạt được bằng tình yêu, bằng morphine và bằng rượu whisky. Nhưng chúng ta hãy tránh xa những bác sĩ ung bứu quá tham vọng, hãy ngưng việc lãng phí hàng tỷ đồng để cố gắng chữa trị bệnh ung thư, vì nó có khả năng gây ra một cái chết còn khủng khiếp hơn nữa.”
Richard Smith kể, trong những người ông từng phỏng vấn, đa số, nếu được lựa chọn, muốn một cái chết đột ngột, một cái chết… không được báo trước (nhại Marquez), nhưng điều đó thường gây nhiều đau khổ về mặt tinh thần và khó khăn về việc chuẩn bị cho người thân của họ. Trong cùng một bài đăng trên blog của ông, Richard Smith trích lại lời của đạo diễn siêu thực tiền phong người Tây Ban Nha, Luis Buñuel, 1 năm trước khi ông qua đời: “Tôi muốn một cái chết chậm, một cái chết được dự kiến, để tôi có thể hồi tưởng lại cuộc đời tôi như một lời chia tay cuối cùng” …“Tôi không sợ chết. Tôi chỉ sợ chết một mình trong một căn phòng khách sạn, với túi sách đang mở, và kịch bản phim trên bàn ngủ. Tôi phải biết những ngón tay sẽ vuốt mắt tôi”.
Ngược lại, Richard Smith cho rằng chết vì bệnh mất trí nhớ (dementia) là cách tồi tệ nhất để chết, bởi nó giống như thể “bạn đang bị xoá bỏ từ từ”.
Trong bài viết, Richard Smith còn đề cập đến cách chết do sự thoái hoá các cơ quan sinh học và ông cũng cố tình không đề cập đến cách chết vì tự sát. Nhưng quan điểm chung của ông, như Luis Buñuel, là ông vẫn thích cách chết từ từ hơn là cách chết đột ngột, dù vì nguyên nhân gì.
Riêng tôi, tôi chỉ đồng ý với Richard Smith một phần. Thứ nhất, tôi tin có nhiều người sẽ cho rằng họ thích một cái chết yên ả, khi đã già, không đau đớn trong giấc ngủ hơn tất cả những cách chết kể trên, hoặc họ có thể thích một cái chết do chính họ định đoạt, để phủ nhận quyền năng của những Đấng Tối Cao, hoặc như cái chết như quan niệm của James Dean: “Sống nhanh, chết trẻ và để lại một cái xác đẹp”. Thứ hai, tôi không đồng ý với ông là không nên bỏ tiền để nghiên cứu về cách chữa trị bệnh ung thư, đối với tôi đó là một thái độ đầu hàng. Tuy nhiên, bài viết của Richard Smith gợi cho tôi nhiều suy nghĩ, nhất là về quan điểm của ông liên quan đến việc chuẩn bị cho cái chết, mà tôi hoàn toàn đồng ý.
Tôi nhớ hồi 17, 18 tuổi, khi vừa đặt chân đến nước Úc, tôi đã tìm đọc nhiều những cuốn sách về Phật giáo, trong đó cuốn Tạng Sư Sống Chết, của Sogyal Rinpoche do ni sư Thích Trí Hải dịch, đã tác động khá nhiều đến tâm hồn còn non nớt của tôi lúc đó. Tôi không muốn nhắc lại nhiều những điều mà những Phật tử ai cũng biết, như tâm trạng của người trước khi chết, cách người thân ứng xử trước cái chết của họ, quan niệm về sự tái sinh, về cái gọi là nghiệp, nhưng tôi muốn trích lại lời của đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách, mà bất cứ ai, dù theo một tôn giáo nào cũng có thể đồng ý: “muốn chết tốt, ta phải học cách sống tốt. Nếu ta mong có được một cái chết an lành, thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta, và trong lối sống của ta.”
Tôi nhớ trong một lần đi nghe Alain de Botton, một triết gia trẻ người Anh, nói chuyện nhân dịp ông qua Úc để ra mắt cuốn sách “The News: A User’s manual”. de Botton nói một ý rất hay, đại ý: Bình thường, người ta hay theo dõi, một cách sâu sát những tin tức liên quan đến những vụ rớt máy bay, những vụ khủng bố, giết người, những vụ đụng xe trên đường; điều đó phải chăng vì họ bệnh hoạn, họ thích đọc, thích xem những chuyện kinh khủng như vậy, bởi nó như xem phim trinh thám, phim kinh dị? Ông nói, thực ra ông không nghĩ như vậy, ông cho, đó là trong vô thức, họ muốn hiểu về ý nghĩa của cuộc đời, bởi đó là những cái chết khá đột ngột, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào.
Bất kỳ ai, trong đời, cũng có hơn một lần nghĩ đến cái chết, của kẻ khác, hay của chính mình, và thông thường họ có một trong ba thái độ chủ yếu: một, không dám nghĩ đến nó, khi nào nó đến thì tính sau; hai, nghĩ đến nó, và không làm gì cả, ba, nghĩ đến nó, và làm điều gì đó để sống tốt hơn cho người khác, và cho chính mình.
Tôi muốn trích lại hai câu nói dưới đây, như một cách kết thúc bài viết của mình:
“Trong lúc tôi tưởng rằng tôi đang học cách sống, thực ra là tôi đang học cách chết” – Leonardo da Vinci.
Sự sợ hãi cái chết đến từ sự sợ hãi cuộc sống. Một con người sống trọn vẹn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. – Mark Twain
Phan Quỳnh Trâm
Bài viết hay. Đề tài lạ. Rất thú vị như khi đọc một truyện ngắn dù biết mình đang đọc một tùy bút.
Cảm ơn tác giả PQT.
LikeLiked by 2 people