Về kiểm duyệt, giới cầm bút có nhiều quan điểm khác nhau. Nhà văn Mạc Ngôn, giải Nobel văn chương năm 2012, nhiều lần bênh vực cho chính sách kiểm duyệt tại Trung Quốc, điều ông ví như các biện pháp an ninh tại phi trường. Nhà thơ Mỹ gốc Nga, giải Nobel văn chương năm 1987, Joseph Brodsky, cho kiểm duyệt có ba cái lợi cho người cầm bút: Một, nó hợp nhất cả nước vào một khối độc giả giống nhau; hai, nó làm cho người cầm bút có một số đối tượng giới hạn để chống lại; và ba, nó tạo cơ hội để phát triển tính chất ẩn dụ của ngôn ngữ (1). Susan Sontag, một mặt, dường như cũng đồng ý với quan điểm ấy của Brodsky, khi cho “không có kiểm duyệt sẽ không có người cầm bút nào thực sự quan trọng” (2); nhưng mặt khác, bà vẫn cương quyết chống lại kiểm duyệt: “Tôi chống lại kiểm duyệt. Dưới mọi hình thức.” (3).
P.S: Riêng tôi, chỉ chịu sự kiểm duyệt từ trong gia đình thôi mà đã muốn chết :), huống gì là kiểm duyệt của cả một chế độ.
Chú thích:
(1), (2), (3): Trích từ cuốn As Consciousness is Harnessed to Flesh của Susan Sontag, do Farrar, Straus and Giroux xuất bản năm 2012.