Stein là Stein là Stein là Stein là Stein – Phan Quỳnh Trâm (with Audio)

Image
Gertrude Stein by Andy Warhol, 1980

Trong chương đầu cuốn Postscript to The Name of The Rose, Umberto Eco giải thích lý do tại sao ông đặt nhan đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông là Tên của Đóa Hồng (The Name of the Rose). Đại ý ông cho biết sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám ấy, ông phân vân rất lâu để tìm nhan đề. Có những nhan đề quá lộ liễu, có thể làm cho người đọc biết ngay đó là một truyện trinh thám. Cuối cùng ông chọn đặt tên nó là Tên của Đóa Hồng vì ông cho chữ “đóa hồng” đã quá mòn sáo, như đoá hồng bí ẩn của Dante, đoá hồng trong The Wars of The Roses, hay trong một câu văn nổi tiếng của Gertrude Stein “a rose is a rose is a rose is a rose”… Nó có quá nhiều ý nghĩa đến độ nó không còn có thể mang một ý nghĩa gì rõ ràng nữa. Với một nhan đề chung chung như vậy, người đọc sẽ hoang mang và khó có thể có một tiên kiến nào trước khi đọc cuốn sách của ông (đó là chưa kể có nhiều người đọc xong cả cuốn sách mà vẫn không thể hiểu tại sao cuốn sách được đặt tên như vậy.)

Trở lại với câu nói của Gertrude Stein: “Hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng”…. Câu văn tưởng như vô nghĩa nhưng thật ra là một nỗ lực làm hồi sinh sức sống của ngôn ngữ.

Gertrude Stein dùng câu này ít nhất 4,5 lần bằng nhiều cách khác nhau trong nhiều tác phẩm khác nhau của bà, ví dụ, trong Operas and Plays (“Do we suppose that all she knows is that a rose is arose is a rose is a rose”), trong The World is Round (“she would carve on the tree Rose is a Rose is a Rose is a Rose is a Rose until it went all the way around”), trong Alphabets and Birthdays(“A rose tree may be a rose tree may be a rosy rose tree if watered”), và trong As Fine as Melanctha (“Civilization begins with a rose. A rose is a rose is a rose is a  rose. It continues with blooming and it fastens clearly upon excellent examples”) v.v…

Trong một buổi thuyết trình tại Đại học Chicago, khi một sinh viên hỏi bà ý nghĩa của câu này, Gertrude Stein đáp: “Tôi đâu có ngu. Tôi biết rằng trong đời sống hằng ngày chẳng ai lại đi quanh mà nói ‘…is a…is a… is a’ cả. Vâng, tôi đâu có ngu, nhưng tôi cho là với câu nói đó, lần đầu tiên trong vài trăm năm của thơ ca tiếng Anh hoa hồng mới có màu đỏ.” (1)

Dĩ nhiên, Stein không chỉ làm mới ngôn ngữ bằng biện pháp lặp đi lặp lại một chữ như vậy. Bà còn nổi tiếng với những câu văn dài miên man vừa giống khẩu ngữ lại vừa đầy nhạc tính và cũng lặp đi lặp lại. Khi còn chưa nổi tiếng, bà cũng đã bị chế giễu khá nhiều, đến mức một nhà xuất bản đã gửi bà một bức thư từ chối nhại lại chính cách hành văn của bà. Cái thư này cũng thông minh và buồn cười đến mức tôi đã bắt chước kiểu đọc thơ của Gertrude Stein để đọc lá thư này. Xin nghe PQT đọc ở đây: 

Image

Dù bị từ chối và chế giễu như vậy, Gertrude Stein vẫn cương quyết tiếp tục phong cách viết của bà để sau đó những học giả về Stein đều cho đó là một trong những sự độc đáo lớn nhất mà Stein đã cống hiến cho nền văn chương Mỹ vào đầu thế kỷ 20.

James Joyce (đối thủ cùng thời của Gertrude Stein và theo lời kể của Hemingway trong A Moveable Feast thì nếu có ai mà lỡ dại nhắc đến Joyce lần thứ hai với Gertrude Stein thì đừng có mong được mời đến nhà bà lần nữa) có một cách làm mới ngôn ngữ theo kiểu khác. Trong cuốn tiểu thuyết Finnegans Wake, ông lắp ghép và sử dụng từ 60 đến 70 ngôn ngữ khác nhau đến độ trong phần đề tựa của cuốn tiểu thuyết này do Penguin tái bản năm 1992, Seamus Deane ngay trong trong câu đầu tiên của lời giới thiệu đã cho rằng cuốn sách này được xem là không thể đọc được (unreadable). Margot Norris thì cho rằng “ngôn ngữ trong cuốn sách này giống như thơ, sử dụng từ ngữ và hình ảnh cùng lúc có nhiều nghĩa, và có khi trái ngược hẳn nhau”. (3).

Một website (4) đã đăng phần kiểm tra lỗi chính tả của Finnegans Wake như sau:

Image

Quan niệm của Gertrude Stein và James Joyce trùng hợp với quan niệm của các nhà Hình thức luận ở Nga vào đầu thế kỷ 20 khi họ cho ngôn ngữ hàng ngày thường dễ bị tự động hóa và mòn sáo; nhiệm vụ của văn chương là làm cho nó trở thành lạ lùng và mới mẻ bằng nhiều cách thức sáng tạo khác nhau.

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến một đoạn trong cuốn tiểu thuyết Chỉ còn 4 ngày nữa là hết tháng tư (5) của Thuận, nhà văn Việt Nam hiện đang sống tại Pháp, trong đó có nhiều đoạn lặp lại số 4 rất ấn tượng:

4 bác sĩ chuyên khoa người Pháp lắc đầu: kìm hãm cảm xúc gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch và viêm kết tràng. 4 bác sĩ chuyên khoa ra ngoài, đóng cửa lại, để Ân tự do khóc. Ân vẫn không nhỏ một giọt nước mắt.
4 chuyên gia tâm lý người Pháp lắc đầu: vô cảm là giai đoạn cuối của trầm cảm. 4 chuyên gia tâm lý đề nghị gia đình chuyển Ân vào dưỡng trí viện.”
Nàng lắc đầu: nhà thương điên Biên Hòa cũng có tên cúng cơm là dưỡng trí viện. 4 chuyên gia tâm lý cho gia đình 4 ngày suy nghĩ.”
Số 4 viết bằng con số như vậy xuất hiện gần như trong mỗi câu văn và lặp lại nhiều lần. Hình  ảnh còn lại, sâu sắc nhất tôi nhớ sau khi đọc từng chương, là số 4. Một con số mang tính chất biểu tượng, từ đó người ta có thể nhớ được những nhân vật, chi tiết và hình ảnh khác trong cuốn tiểu thuyết.

Trong lịch sử văn học thế giới mỗi thời đại đều có những cố gắng sáng tạo như vậy cho nên văn học và ngôn ngữ văn học không bao giờ ngừng đổi mới. Những tác phẩm văn chương giàu sáng tạo trở thành những thách thức đối với từng người đọc, và dĩ nhiên cả những người sáng tác. Muốn được vậy, sự kiên định và độc lập trong suy nghĩ của mỗi cá nhân là điều vô cùng cần thiết. Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu người này cứ chạy theo người kia như những con cừu rượt đuổi nhau. 

Phan Quỳnh Trâm.

Chú thích:

1.Lời nói đầu của của người biên tập cuốn Look at Me Now and Here I Am – Writings and Lectures 1911-1945 của Gertrude Stein do Patricia Meyerowitz biên tập, Elizabeth Sprigge giới thiệu do Peter Owen xuất bản tại London, năm 1967, trang 7.; dẫn theo Thornton Wilder trong Lời giới thiệu cuốn Four in America,  Yale Universtiy Press xuất bản năm 1947.
2. http://www.openculture.com/2013/06/gertrude_stein_a_snarky_rejection_letter_from_publisher_1912.html
3. Norris, Margot, The Decentred Universe of ‘Finnegans Wake’: A Structuralist Analysis, do John Hopkin University Press xuất bản năm 1976.
4. http://www.openculture.com/2013/07/what-happens-when-you-run-finnegans-wake-through-a-spell-checker.html
5. Chưa xuất bản. Chỉ có chương 1 và chương 4 được đăng trên tienve.org
http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=164

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s