Cao Cấp hay Bình Dân? – Phan Quỳnh Trâm

Image
Umberto Eco. (Photo by Sarah Lee – The Guardian)

Tôi biết có nhiều người loay hoay giữa văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân; họ cho một trong những yếu tố quyết định bản sắc của sự nghiệp khảo cứu hay văn nghệ của họ nằm trong việc lựa chọn ấy. Họ băn khoăn, nếu tôi thích thứ “rất cao cấp” này mà cũng lại mê thứ “rất bình dân” kia, đó phải chăng là một nghịch lý, cái goût của tôi có vấn đề không nhỉ?

Điều này khiến tôi nghĩ đến Susan Sontag, một trong những người đầu tiên tìm cách bắc cầu giữa văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân qua những bài tiểu luận nổi tiếng trong những năm 1960. Trong lời bạt cuốn “Against Interpretation (ấn bản kỷ niệm 30 năm), bà nói: “Nếu phải chọn giữa The Doors và Dostoyevsky, dĩ nhiên tôi sẽ chọn Dostoyevsky […] Nhưng tại sao tôi lại phải chọn chứ?” Trong một bài phỏng vấn, bà trả lời, đại ý, bà không định xóa bỏ đẳng cấp giữa văn hóa cao cấp và văn hóa bình dân, nghĩa là không cho rằng mọi thứ đều bình đẳng và có giá trị như nhau, nhưng bà cũng không vẽ ra những thang bậc mới để xếp hạng chúng. Bà chỉ muốn nhấn mạnh sự đa dạng và phong phú có thể có, và nên có, trong kinh nghiệm của một người thưởng ngoạn.

Kinh nghiệm của nhà văn, nhà phê bình, nhà khảo cứu lừng danh Umberto Eco cho thấy một khía cạnh khác. Dù ông nổi tiếng khắp thế giới với tư cách một học giả và một lý thuyết gia về Ký hiệu học tân kỳ, táo bạo và sâu sắc, ông lại thú nhận là ông rất thích đọc các truyện trinh thám, truyện tranh và các phim truyền hình nhiều tập (như CSI, Miami Vice, ER…), thường được ngầm hiểu là bình dân và có khi rẻ tiền. Ông nói trong bài phỏng vấn trên Paris Review số 197: “Tôi đoán là không có một học giả nghiêm túc nào mà không thích xem truyền hình cả, nhưng chỉ có mình tôi thú nhận điều đó thôi”.

Hai sở thích trái ngược ấy sản sinh ra cuốn tiểu thuyết The Name of the Rose lâu nay được giảng dạy trong phần lớn các trường đại học ở Tây phương. Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết ấy là một truyện trinh thám nhưng cách kể của Eco lại rất mới lạ, ly kỳ và đầy tính chất liên văn bản, vốn là “nghề của chàng”. Người ta có thể vừa nhận ra Sherlock Holmes (nhân vật William of Baskerville khiến người ta liên tưởng đến truyện The Hound of the Baskervilles)vừa nhận ra Jorge Luis Borges (nhân vật Jorge trong truyện vừa là quản thủ thư viện, vừa mù; nội dung truyện cũng khiến người ta nghĩ ngay đến những hình ảnh tiêu biểu trong tác phẩm của Borges như thư viện, mê cung và những tấm gương, trong The Library of Babel, The Garden of Forking Paths, v.v.). Theo chính Eco, trong cuốn On Literature, sự kết hợp giữa yếu tố bình dân và mới lạ ấy làm cho cuốn The Name of the Rose trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Trở lại với nỗi băn khoăn của một số người ở trên, chúng ta có thể tự hỏi như Sontag là: Tại sao chúng ta phải chọn lựa? hoặc theo cách của Eco: Tại sao chúng ta không kết hợp cả hai?

Cả hai thái độ trên đều có một điểm giống nhau là thừa nhận thế giới chúng ta đang sống có nhiều kích thước khác nhau, cho nên mọi cực đoan đều có hại. Nói theo Sontag, “Hãy để ý một cách trọn vẹn đến thế giới, trong đó có bạn […] Đó là công việc của một nhà văn – người viết văn phải để ý đến thế giới. Bởi vì tôi rất chống lại quan điểm duy ngã cho rằng bạn có thể tìm thấy mọi thứ trong đầu bạn. Không đâu, bởi vì có một thế giới ở ngoài kia, dù là có hay không có bạn trong đó”. (Susan Sontag’s complete Rolling Stone interview)

Bây giờ thì tôi có thể gác chân lên bàn mở một tập phim Mad Men ra xem mà không mảy may thấy mình tội lỗi.

Phan Quỳnh Trâm

One thought on “Cao Cấp hay Bình Dân? – Phan Quỳnh Trâm

  1. Câu chuyện thú vị, cái lá trái này của trí thức VN nhiều lúc thấy rõ lắm. Cám ơn cô vẫn luôn có những bài ngắn gọn sắc nét .Xin Share trên FB với vài lời tình cờ ăn theo . Chúc cô mọi sự lành .

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s