BILLY COLLINS
(1941~)
Billy Collins sinh tại New York, tốt nghiệp tiến sĩ văn học tại Đại học California, Riverside; từ năm 1968, dạy văn học tại trường Lehman College cho đến ngày về hưu. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều đại học khác trên khắp nước Mỹ và Ireland. Ông được phong tước Thi sĩ Công Huân của Mỹ từ năm 2001 đến 2003, và Thi sĩ Công Huân của thành phố New York từ năm 2004 đến 2006. Ông được mời làm biên tập viên cho nhiều tạp chí văn học nổi tiếng như The Alaska Quarterly Review và Southern Review.
Billy Collins được xem là một hiện tượng trong thơ ca của Mỹ trong suốt mấy thập niên vừa qua. Nhiều nhà phê bình nhận định là kể từ sau Robert Frost (1874-1963), không có nhà thơ nào của Mỹ kết hợp được những yếu tố thường bị cho là trái ngược nhau như ở Collins: vừa mới mẻ vừa quen thuộc, vừa sâu sắc vừa dí dỏm, vừa nghiêm túc lại vừa nhẹ nhàng, vừa thoả mãn được nhu cầu về sự cách tân nghiêm ngặt của giới hàn lâm lại vừa đáp ứng được thị hiếu bình dị của đông đảo quần chúng, vừa đoạt được giải thưởng cao và khó nhất lại vừa nằm trong danh sách những nhà thơ có sách bán chạy nhất trong nhiều năm liền. Không phải ngẫu nhiên mà báo New York Times vinh danh Collins là thi sĩ được yêu chuộng nhất nước Mỹ. Ông được mời đi đọc thơ và nói chuyện về thơ rất nhiều lần và ở nhiều nơi khác nhau. Thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và chọn đưa vào chương trình giảng dạy môn văn học từ trung học đến đại học ở Mỹ.
Tác phẩm đã in của ông bao gồm: Pokerface (1977), Video Poems (1980), The Apple That Astonished Paris (1988), Questions About Angels (1991), The Art of Drowning (1995), Picnic, Lightning (1998), Taking Off Emily Dickinson’s Clothes (2000), Sailing Alone Around the Room: New and Selected Poems (2001), Nine Horses (2002), The Trouble with Poetry (2005), She Was Just Seventeen (2006) và Ballistics (2008). Ngoài ra, ông cũng biên tập nhiều thi tuyển, như Poetry 180 (2003), 180 More Extraordinary Poems for Every Day (2005), Bright Wings: An Illustrated Anthology of Poems About Birds (2010)…
Phan Quỳnh Trâm
______
Thêm một lý do tại sao tôi không giữ súng trong nhà
Con chó nhà hàng xóm không ngừng sủa.
Nó sủa mãi ở cùng một độ cao, một nhịp điệu sủa
như nó vẫn sủa mỗi khi chủ đi vắng.
Hẳn là họ đã vặn dây cót cho nó trước khi họ rời nhà.
Con chó nhà hàng xóm không ngừng sủa.
Tôi đóng tất cả các cửa sổ trong nhà
và mở to hết cỡ một bản giao hưởng của Beethoven
nhưng tôi vẫn có thể nghe văng vẳng dưới tiếng nhạc,
nó sủa, sủa, sủa,
và bây giờ tôi có thể thấy nó ngồi trong dàn hoà tấu,
đầu ngẩng cao tự tin như thể Beethoven
đã viết hẳn một bè nhạc cho tiếng chó sủa.
Cuối cùng khi đĩa nhạc kết thúc, nó vẫn còn sủa,
ngồi đó trong nhóm kèn oboe, sủa,
mắt nó đăm đăm nhìn người nhạc trưởng
đang giữ nhịp cho nó bằng cây đũa chỉ huy
trong khi các nhạc sĩ khác lắng nghe trong im lặng,
một cách trân trọng, phần độc tấu chó sủa trứ danh,
đoạn vĩ thanh vô tận đó đã lần đầu tiên khẳng định
Beethoven là một thiên tài cách tân.
————————
Dịch từ nguyên tác “Another Reason Why I Don’t Keep A Gun In The House” của Billy Collins, trong Sailing Alone Around The Room (New York: Random House Trade Paperbacks, 2002) 3.
Another Reason Why I Don’t Keep A Gun In The House
The neighbors’ dog will not stop barking.
He is barking the same high, rhythmic bark
that he barks every time they leave the house.
They must switch him on their way out.
The neighbors’ dog will not stop barking.
I close all the windows in the house
and put on a Beethoven symphony full blast
but I can still hear him muffled under the music,
barking, barking, barking,
and now I can see him sitting in the orchestra,
his head raised confidently as if Beethoven
had included a part for barking dog.
When the record finally ends he is still barking,
sitting there in the oboe section barking,
his eyes fixed on the conductor who is
entreating him with his baton
while the other musicians listen in respectful
silence to the famous barking dog solo,
that endless coda that first established
Beethoven as an innovative genius.