Biện Hộ Cho Việc Dịch Thơ – Phan Quỳnh Trâm

Liên quan đến vấn đề dịch thuật, có một câu hỏi được một số người một cách trực tiếp hay gián tiếp đặt ra: liệu dịch thơ có thực sự cần thiết?

Xin lưu ý là người ta chỉ đặt vấn đề với thơ chứ không phải với văn học nói chung bởi vì trong văn học, các thể loại văn xuôi, từ truyện đến ký và nghị luận đều cần được dịch và có thể dịch thật hay. Trong cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, nhà văn Nhất Linh cho các nhà văn nên viết một cách trung tính và vô ngã, không có dấu ấn riêng, để có thể dễ dịch và khi dịch, dễ giữ được cái hay của nguyên tác. Ông cho đó là một trong những điều kiện để các tác phẩm có thể “vượt không gian”, đi từ nước này qua nước khác và từ nền văn hoá này qua nền văn hoá khác. Có thể nói sự cần thiết của dịch thuật trong các thể loại văn xuôi rất hiển nhiên, không có ai hoài nghi cả. Người ta chỉ hoài nghi về việc dịch thơ.

Lý do để hoài nghi như thế là vì trong thơ không phải chỉ có từ ngữ mà còn có vần điệu, nhịp điệu riêng vốn là những gì không thể dịch được. Hơn nữa, ngay trong phạm vi từ ngữ cũng không có sự đối xứng một-một giữa ngôn ngữ này và ngôn ngữ khác để người ta có thể an tâm khi dịch. Từ ngữ trong thơ có tính chất liên văn bản vốn gắn liền với từng ngôn ngữ không thể dễ dàng chuyển dịch. Vì thế không hiếm người cho là dịch thơ là một điều bất khả.

Tuy nhiên, kết luận như thế bị xem là khá cực đoan. Trên phạm vi thế giới, các nhà phê bình thường cho các bản dịch thơ của Walt Whitman đã có ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều cây bút lớn, từ Jorge Luis Borges đến Octavio Paz, từ Vinícius de Moraes đến Federico García Lorca và Pablo Neruda. Cả Neruda và Lorca đều có hai bài thơ “Tụng ca Walt Whitman” (Oda a Walt Whitman). Pablo Neruda nói trong một cuộc phỏng vấn: “Walt Whitman là bạn đồng hành thường trực của tôi. Tôi không có chất Whitman trong bút pháp của tôi, nhưng tôi mang nặng chất Whitman ở những thông điệp quan yếu, sự chấp nhận, cách đón nhận thế giới, cuộc đời, nhân loại và thiên nhiên”. (1). Còn Jorge Luis Borges thì phát biểu: “Có một thời gian, tôi nghĩ Whitman không chỉ là một nhà thơ vĩ đại, mà còn lại một nhà thơ duy nhất. Thật ra, tôi đã nghĩ là tất cả các nhà thơ trên thế giới đã dẫn đến Whitman cho đến năm 1855 [năm xuất bản tập Leaves of Grass], và việc không bắt chước ông chỉ là một bằng chứng của sự dốt nát”.

Ở Mỹ, ngoài Walt Whitman, còn có nhiều nhà thơ nổi tiếng như Elizabeth Bishop, Robert Bly, M.S. Merwin, William Carlos Williams, Charles Simic, Richard Howard… những người được ghi nhận là có công đổi mới thơ Mỹ, cũng đồng thời là những dịch giả thơ có uy tín, đặc biệt từ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Có thể nói, qua việc đọc và dịch thơ Nam Mỹ, các nhà thơ Mỹ tự đổi mới phong cách và kỹ thuật sáng tác của chính họ. Trong cuốn Why Translation Matters, Edith Grossman nêu lên trường hợp của Nicanor Parra, nhà thơ Chile từng có thời gian sống tại Anh và Mỹ, chịu ảnh hưởng rõ ràng của các nhà thơ trong phong trào Beat và thơ của ông, khi được dịch ra tiếng Anh, cũng ảnh hưởng ngược lại các nhà thơ Beat (3). Trong cuốn The Ecco Anthology of International Poetry, Ilya Kaminsky cho, thơ của Garcia Lorca và Anna Akhmatova, ngay cả trong bản dịch tiếng Anh, đã ảnh hưởng sâu sắc đến thơ Mỹ trong thế kỷ 20 (4). Theo lời kể của W.S. Merwin, ngay từ đầu thế kỷ 20, hiểu rõ tầm quan trọng của dịch thuật, Erza Pound có lần khuyên các nhà thơ nên học một ngoại ngữ và cố gắng tập dịch, qua đó, phát triển kỹ năng làm thơ của mình. Cũng theo Erza Pound: “văn học bằng tiếng Anh sống bằng dịch thuật, và được nuôi dưỡng bởi dịch thuật, mọi sự mới mẻ, mọi sự bùng phát được kích thích bởi dịch thuật, mỗi thời đại được cho là tuyệt vời bao giờ cũng đồng thời là một thời đại của dịch thuật”. (5)

Riêng trong văn học Việt Nam, đừng quên là chúng ta có một số bài thơ dịch rất xuất sắc, được mọi nhà phê bình và nghiên cứu đồng thanh cho là kiệt tác. Trong số này, đáng kể đầu tiên chắc chắn là bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (một số người cho là của Phan Huy Ích) mà người ta cho là hay hơn hẳn nguyên tác bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn. Kế tiếp là bản dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Dịch giả bản dịch này có người cho là Phan Huy Thực; có người khác cho là Phan Huy Vịnh. Có lẽ chúng ta không nên cho bản dịch hay hơn nguyên tác, tuy nhiên, từ lỗ tai của người Việt Nam, bản dịch tiếng Việt mở đầu bằng hai câu “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách / Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu” thiết tha và thân thuộc hơn hẳn. Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng là trường hợp rất thú vị. Nhiều lúc ông làm thơ bằng chữ Hán rồi sau đó tự dịch ra chữ Nôm. Trong những trường hợp đó, bản chữ Nôm bao giờ cũng gần gũi và tài hoa hơn các bản chữ Hán. Cũng liên quan đến việc thành công trong dịch thuật, chúng ta không thể không nhắc đến Tản Đà, một người dịch rất nhiều thơ Đường, trong đó có một số bài, ví dụ bài Hoàng Hạc Lâu, được người đọc ghi nhớ như một bài thơ độc lập và rất hay.

Những sự thành công kể trên đều là dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt. Đây là hai ngôn ngữ rất gần nhau về mặt thanh điệu, từ vựng và nhiều yếu tố liên văn bản, do đó, nói chung, tương dối dễ dịch và dễ dịch hay. Dịch từ các ngôn ngữ Tây phương sang tiếng Việt khó hơn vì đó là những ngôn ngữ khác hẳn nhau. Tuy nhiên, sự khác nhau này không ngăn cản sự thành công của bản dịch. Ví dụ được một số nhà phê bình nhắc đến là trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ La Fontaine, tiêu biểu nhất là bài “Ve và kiến”:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Một miếng cũng chẳng còn
Ruồi bọ không một con
Vác miệng chịu khúm núm
Sang chị Kiến hàng xóm
Xin cùng chị cho vay
Dăm ba hạt qua ngày

Theo nhà phê bình Hoài Thanh, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, trước khi bài “Tình già” của Phan Khôi ra đời, các bản dịch thơ tự do và phóng khoáng của Nguyễn Văn Vĩnh đã gợi cảm hứng cho các nhà thơ Việt Nam trong tiến trình làm mới thơ ca của đất nước. Đó là một trong những lý do chính làm xuất hiện phong trào Thơ Mới trong thập niên 1930 với những tài thơ kiệt xuất như Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, v.v…

Sau này, chúng ta không thể tìm ra một ví dụ nào tương tự để chứng minh lợi ích của việc dịch thơ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc dịch thơ không hữu dụng và cần thiết. Theo tôi, việc dịch thơ có mấy ích lợi chính:

Thứ nhất, nó giúp người đọc hiểu rõ hơn một nền văn học khác thuộc một nền văn hoá khác. Các tác phẩm văn xuôi cũng có thể đáp ứng nhu cầu này, nhưng dù sao thơ vẫn đi xa và sâu hơn vì thơ là tiếng nói xuất phát trực tiếp từ tâm hồn con người.

Thứ hai, nó giúp người đọc làm quen với một kiểu thi pháp khác. Ví dụ cụ thể nhất ở đây là sự thịnh phát của thơ tự do. Phần lớn người Việt Nam đều quen thuộc với thơ cách luật và nhiều người trong số đó, xem chỉ có thơ cách luật với các yếu tố quen thuộc như vần và nhịp, mới thực sự là thơ. Các bản dịch thơ Tây phương đương đại, ngược lại, giống như trong nguyên tác, đa số là thơ tự do. Mới đọc, người ta dễ cho là không hay, tuy nhiên, đọc nhiều, dần dần người ta cảm nhận cái hay trong thơ tự do, do đó, khi sáng tác, người ta cũng dễ có khuynh hướng làm thơ tự do. Việc làm thơ tự do phổ biến tại Việt Nam hiện nay không chừng là hệ quả của sự tiếp xúc với thơ đương đại Tây phương, chủ yếu qua các bản dịch. Điều đó cũng có thể áp dụng cho thơ văn xuôi.

Thứ ba, nó giúp người đọc làm quen với một thứ mỹ học khác. Thơ truyền thống Việt Nam kể từ đầu thế kỷ 20 chủ yếu là thơ lãng mạn. Với nhiều người Việt Nam, thơ phải có tình cảm tràn trề mới có thể được gọi là hay. Thơ dịch từ Tây phương đương đại giới thiệu một thứ mỹ học khác hẳn: nó thiên về nhận thức và những trải nghiệm có tính chất duy lý. Ở góc cạnh này, có thể nói thơ dịch góp phần tẩy rửa những ảnh hưởng của thơ lãng mạn ngày trước. Người ta có thể thấy thơ Việt Nam đương đại bây giờ sần sùi, góc cạnh và với một số nhà thơ, có vẻ “khô” hơn, hạn chế những câu thơ “sướt mướt”, đầy tính chất tình cảm chủ nghĩa. Chính vì thế những người bảo thủ một cách cực đoan thường cho thơ của các nhà thơ cách tân lâu nay, từ Thanh Tâm Tuyền ngày trước đến Nguyễn Quang Thiều sau này, là thơ… dịch. Tuy vậy, họ không thể phủ nhận những nhà thơ ấy là những nhà thơ thực sự tài hoa.

Thứ tư, nó giúp người đọc từ từ trở nên quen thuộc với những cách diễn tả khác, rồi từ đó sử dụng những cách diễn tả mới đó khi họ sáng tác thơ. Mấy chục năm trước, cách diễn tả của Xuân Diệu: “Hơn một loài hoa đã rụng cành” trong bài Đây Mùa Thu Tới, ở thời điểm đó, có thể gặp những lời dị nghị, mà ngay cả bây giờ tôi thỉnh thoảng vẫn còn gặp, theo kiểu: “Người Việt không nói như thế”. Rõ ràng Xuân Diệu đã chịu ảnh hưởng của những nhà thơ Pháp như Appolinaire, Baudelaire, Verlaine. Và cũng rõ ràng, sau mấy chục năm, người ta đã quen dần với cách diễn tả đó, và còn thấy nó hay. Chỉ có điều là trong quãng thời gian người ta quen thuộc với những cách diễn tả đó, và vẫn tiếp tục dùng nó, thì nền thơ ca trên thế giới đã đi trước bao nhiêu thập niên rồi.

Thứ năm, nó giúp người đọc và người sáng tác quen dần với những trò chơi mới trong thơ. Ví dụ, những thủ pháp như giễu nhại, collage, thơ cụ thể… đều là do ảnh hưởng của thơ Tây Phương đương đại.

Những lợi ích kể trên có thể chỉ diễn ra một cách âm thầm và lâu dài nhưng không phải không có. Trên thế giới, hầu như nền văn học lớn nào cũng có một nền dịch thuật phong phú và rất đa dạng. Riêng trong nền văn học Việt Nam hiện nay, để thực sự thay đổi và khởi sắc, theo tôi, dịch thuật đóng một vai trò rất quan trọng.

Phan Quỳnh Trâm
Sydney, tháng 8, 2017.

1. http://docs.lib.purdue.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1122&context=clcweb
2. Alan Shucard (1990), American Poetry: The Puritans through Walt Whitman, University of Massachusetts Press, tr. 179.
3. Edith Grossman (2010), Why Translation Matters, Yale University Press, tr. 102-4.
4. Ilya Kaminsky và Susan Harris (biên tập) (2010), The Ecco Anthology of International Poetry, HarperCollins Publishers, tr. xl.
5. Trích từ “Ezra Pound in Context”, do Ira B. Nadel biên tập, Cambridge University Press xuất bản năm 2010.

2 thoughts on “Biện Hộ Cho Việc Dịch Thơ – Phan Quỳnh Trâm

Leave a comment